Dân Việt

Có nên cất bánh chưng trong tủ lạnh?

03/02/2015 09:53 GMT+7
Bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong các gia đình Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Mong chuyên mục cho biết có nên cất bánh chưng trong tủ lạnh hay không? Cách bảo quản một số loại thực phẩm như giò, chả, thịt cá… như thế nào? Lan Hạ (Phú Thọ)
 

*Bánh chưng, bánh tét:

Không nên cất bánh chưng vào tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (bánh cứng trở lại). Tuy nhiên, nếu thời tiết nóng thì bạn có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng che thực phẩm bao kín. Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe. Đối với các loại bánh bị mốc trắng, lên men mùi chua (nhất là ở phần góc bánh do phần này khi gói hay bị rách) ở lớp vỏ bánh bên ngoài thì phải cắt bỏ phần bị lên men, mốc, chỉ sử dụng phần không bị hỏng, còn giữ nguyên mùi thơm của bánh.

img

 

*Giò, chả:

Giò lụa, giò bò, chả nên để trong ngăn mát của tủ lạnh, ở nhiệt độ dưới 25oC. Khi bảo quản đúng cách giò sẽ giữ được 4-6 ngày. Nếu bạn lỡ mua quá nhiều, không ăn hết thì có thể để ở ngăn đá. Ở nhiệt độ ngăn đá, giò sẽ được đảm bảo trong khoảng 10 ngày. Giò lụa lấy ra khỏi ngăn đông, để ở nhiệt độ phòng khoảng 4 giờ hoặc chuyển vào ngăn mát trước khi sử dụng 8 giờ. Nếu muốn sử dụng ngay thì rã đông nhanh: Bọc giò lụa vào nilon, ngâm vào nước lạnh khoảng 1 giờ. Giò tai, giò xào do đặc điểm về sự kết dính mà phải để ở nhiệt độ mát, lạnh vì vậy để bảo quản nên để vào ngăn mát tủ lạnh.

*Thịt, cá:

- Nếu chỉ định cất trữ trong thời gian từ 2-3 ngày thì bạn có thể cho thịt vào ngăn mát của tủ lạnh cũng được. Bạn nên chia nhỏ từng miếng với độ dày không quá 10 cm để nhiệt độ đi sâu được vào trung tâm.

- Cá tươi cần làm sạch, bỏ mang, ruột rồi đóng gói riêng, sau đó bảo quản trong ngăn đá (-18oC ). Thời gian lưu giữ được khoảng 2 tuần.

- Với các loại hải sản, bạn nên rửa sạch và cho vào từng hộp để tránh lẫn mùi vị và tiện sử dụng. Số lượng thực phẩm mỗi hộp đủ dùng cho từng bữa bởi sau khi rã đông nên chế biến hết chứ không nên cho vào ngăn đá trở lại. Nên sử dụng thớt riêng để chế biến thức ăn sống và thức ăn chín để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

- Với các loại rau quả, bạn có thể gói giấy hoặc dùng loại nilon mỏng chuyên dùng để gói thực phẩm sẽ giữ được lâu hơn.

Lưu ý: Thức ăn được lấy trong tủ lạnh ra chỉ sử dụng một lần cho bữa sau, không để lại thêm bữa sau nữa, thức ăn để lâu nhất là từ 5 – 6 giờ. Thức ăn bị nhiễm vi khuẩn, để lâu trong tủ lạnh sẽ sinh ra độc tố. Thức ăn đun lại, vi khuẩn sẽ bị tiêu diệt ở nhiệt độ 100ºC, nhưng độc tố do vi sinh khuẩn sinh ra vẫn còn nguyên độc tính gây nên ngộ độc cho người sử dụng. Bạn nên chế biến lượng thức ăn vừa đủ, đừng quá dư thừa, vì khi thừa đun lại thức ăn sẽ bị sẽ bị hao hụt chất dinh dưỡng.