Cuộc đua lãi suất không lành mạnh!
Bà Bích Nga, đại diện lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng T. cho biết: Hiện tại sức nóng của lãi suất đang gây áp lực hàng ngày lên lãnh đạo các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các chi nhánh NHTM nhỏ. Bà Nga tâm sự: Nhiều lần nhìn thấy những khoản tiền lớn “chạy” khỏi ngân hàng mình mà tiếc, nhưng chỉ vì không thể cạnh tranh được với mức lãi suất “khủng” 19,5 -20% nên đành chịu.
Cuộc đua lãi suất đang khiến nhiều ngân hàng gặp khó khăn (ảnh minh hoạ). |
Tuy nhiên, bà Nga lý giải: Ngân hàng có quy mô khác nhau, thì mức độ quản lý rủi ro của từng ngân hàng cũng khác nhau. Người gửi tiền đều có tâm lý muốn chọn ngân hàng có mức lãi suất huy động cao, mà không cần phân biệt mức độ quản lý rủi ro của từng ngân hàng. Vì thế, sự cạnh tranh không lành mạnh và cuộc đua lãi suất khó có điểm dừng như kỳ vọng.
Nếu mức lãi suất huy động thỏa thuận tại Ngân hàng T. hiện tại là 18 - 18,3%/năm với các khoản tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên được cho là cao so với một số ngân hàng nhưng nếu so với những ngân hàng cổ phần nhỏ hơn… hiện đang duy trì mức lãi suất cao ngất, lên tới 20% và thậm chí xu hướng chạy đua vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều ngày gần đây, thì mức lãi suất hơn 18% vẫn chưa thể đủ sức cạnh tranh.
Bà Bích Nga ngậm ngùi: Ngân hàng nào đẩy lãi suất lên cao thì chỉ chứng tỏ ngân hàng đó đang thiếu vốn. Tuy nhiên, lãi suất cao sẽ đi kèm rủi ro là điều khó tránh khỏi. “Nhưng dẫu sao cũng không thể trách khách hàng bởi lãi suất lâu nay vẫn là cuộc đua đầy thách thức đối với hệ thống ngân hàng”.
Những thách thức sống còn!
Trong khi đó, ông Nguyễn Trí Hiếu - một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, đại diện lãnh đạo Ngân hàng ABBank cảnh báo những nguy cơ đáng lo ngại nhất mà hệ thống ngân hàng thương mại đang phải đối mặt hiện nay đó là: Chạy đua lãi suất, thanh khoản yếu và nợ xấu gia tăng.
“ Lãi suất cao bao giờ cũng đi kèm với thời hạn ngắn (1 tuần, 1 tháng). Trong khi cho vay thì phải đảm bảo trung hạn. Nếu đến lúc tiền gửi của khách hàng rút ra thì ngân hàng lấy đâu để bù vào. Sẽ dẫn đến khả năng ngân hàng mất tính thanh khoản” - ông Hiếu cảnh báo.
Ông Hiếu phân tích thêm: “Mặt khác, ngân hàng huy động cao, tính sinh lời bị hạn chế nên buộc phải cho vay cao. Đầu ra cao sẽ dễ phát sinh nợ xấu, thách thức ngay đến yếu tố sống còn của ngân hàng”.
Trước vấn đề nóng của lãi suất thời điểm này, trao đổi với Dân Việt nhiều vị đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại cho rằng: Họ mong muốn Ngân hàng Nhà nước “mở van thanh khoản” hoặc có động thái điều chỉnh lãi suất thông qua các nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước.
“Mở van thanh khoản” không có nghĩa là làm tăng nguy cơ lạm phát, trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ như thời gian qua lạm phát chưa chắc đã giảm. Đồng thời chính sách tài khóa cần phải chủ động, hiệu quả, chặt chẽ hơn khi mà chính sách tiền tệ hết “room”, không còn nhiều “không gian” để lựa chọn nữa.
Phương Hà