Khiên cưỡng và khó chấp nhận
Trả lời câu hỏi “ai được hưởng lợi nhờ tăng giá điện?” tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, người phát ngôn của Bộ Công Thương - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phân tích, giá điện tăng thì Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều được hưởng lợi.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt xung quanh quan điểm này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh không tránh khỏi ngạc nhiên. Ông nói: “Tôi không hiểu cơ quan quản lý ngành điện giải thích như thế nào về việc người dân được hưởng lợi khi tăng giá điện. Tôi chỉ hỏi lại: Nếu bây giờ một người dân phải chi thêm tiền cho việc giá điện tăng lên thì họ được lợi gì?”. Rõ ràng, giá điện tăng, dân phải mất thêm tiền thì bảo họ lợi có thể “nghe được” không?".
Cũng theo ông Doanh, việc tăng giá điện phải được tính toán kỹ lại, bởi nhiều chi phí cho sản xuất điện vẫn tiếp tục giảm và ổn định nên không thể cứ “dọn đường” mãi cho việc tăng giá điện như vậy.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long thẳng thắn: “Nói người dân hưởng lợi khi tăng giá điện là nói lấy được”. Theo ông Long, “thế độc quyền trong sản xuất, phân phối điện của EVN hiện nay vẫn còn chưa được phá vỡ thì làm gì có chuyện người dân có giá điện cạnh tranh hay giá điện rẻ mà có lợi”.
So sánh giá điện Việt Nam thấp nên không thu hút được nhà đầu tư, ông Long cho rằng, cũng không đúng. Ông Long nói: “Quản lý kém, năng suất thấp, tổn thất điện năng lớn là nguyên nhân chính làm cho giá thành điện của Việt Nam cao. Chúng ta cứ đi so sánh giá điện của ta với các nước nhưng hãy so sánh cơ cấu, chi phí sản xuất điện của ta có hợp lý chưa đã”.
Ông Long dẫn chứng, tại Mỹ họ sản xuất điện hạt nhân nên giá điện rất rẻ. Tại Singapore người ta sản xuất điện từ dầu, khí nên giá rất đắt. Còn tại Việt Nam, điện được sản xuất từ thủy điện, dầu, khí, than và trong bối cảnh thủy điện chiếm 40% cơ cấu nguồn phát thì bình quân giá điện của Việt Nam thế nào? Giá thành thủy điện thấp vậy giá điện so sánh đã hợp lý chưa?
Dân chỉ lợi khi giá điện giảm
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, hiệu quả hoạt động của EVN cho đến nay vẫn bị đánh giá là kém. Trước đó, thanh tra Chính phủ cũng đã chỉ ra nhiều sai phạm của EVN, trong đó có việc EVN đưa cả các chi phí bên ngoài hoạt động điện để tính vào giá điện. Vậy giá điện được tính như vậy khó có thể đem lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Tăng giá điện, theo các chuyên gia kinh tế, cái lợi mà Nhà nước thu được chính là thuế. “Từ trước tới nay, Nhà nước chưa hề bũ lỗ cho giá điện mà lỗ đó đều gom lại, gác lại để tính dần vào giá điện. Nhà nước chỉ đang hỗ trợ giá điện cho hộ nghèo, thu nhập thấp” - chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng cho biết.
Tăng giá điện chắc chắn doanh nghiệp cũng được lợi vì có lợi nhuận. Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam phân tích: Với mức đề xuất tăng giá điện lên 9,5%, nếu được chấp thuận, EVN dự kiến sẽ thu về thêm khoảng 7.000 tỷ đồng. Số tiền này là dùng để bù đắp một phần lỗ tỷ giá hơn 8.000 tỷ đồng trong năm 2013 và các chi phí tăng thêm…
Còn người tiêu dùng chỉ được hưởng lợi khi giá điện giảm. Giá điện chỉ giảm trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, sớm hay muộn cũng phải phá bỏ thế độc quyền của ngành điện. Chủ trương của Chính phủ là thị trường hóa hoàn toàn các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện song vẫn tồn tại cơ chế một anh mua điện là EVN hiện nay sẽ khó tránh khỏi sự o bế, không sòng phẳng về giá điện.
Cuối cùng, theo các chuyên gia kinh tế, để người tiêu dùng hưởng lợi về giá điện thì phải có Tổ chức độc lập đứng ra kiểm soát giá điện, thay vì trực thuộc một bộ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Kinh nghiệm các nước là đều có tổ chức độc lập kiểm soát giá điện. Do vậy, trong lúc thị trường điện Việt Nam chưa có sự cạnh tranh thực sự thì càng phải thúc đẩy các cơ chế kiểm soát này.
“Tôi thấy EVN kêu giá điện thấp song năm nào cũng có lãi cả. Lỗ của EVN là do từ các năm trước gác lại. Do vậy, tăng giá điện vẫn đang cần một lý lẽ có sức thuyết phục chứ không thể nói tăng giá điện là người dân được lợi”, ông Long bình luận.