Khoai mì thì hầu như nhà nào cũng trồng sẵn ngoài vườn. Đào mấy bụi vô, lấy củ gọt, rửa sạch rồi ngâm vô lu nước. Mấy bữa sau thì té nước nhiều lượt, rồi đem phơi nắng. Nước bốc hơi khô, bột mì lắng lại mịn trơn.
Lựa những trái dừa khô tròn lớn, lột vỏ rồi nạo cơm vắt những tô nước cốt thiệt béo. Để bánh có màu người ta sử dụng những trái, củ tự nhiên: màu xanh của lá dứa; màu đỏ của củ dền; màu vàng của nghệ, và màu trắng tự nhiên của bột. Thắng nước đường cho tan rồi cho nước cốt dừa cùng nước của những loại trái, củ ấy vào chung để tạo màu.
Những cái bánh phục linh ngọt ngào (ảnh mang tính minh họa cho bài viết; Nguồn: Internet)
Bột mì tinh cho vô chảo rang trên lửa vừa, đảo đều tay cho bột chín đều. Khi rang, người ta cho những khúc lá dứa đã cắt sẵn vô chảo vừa cho bột có mùi thơm, vừa để nhận biết, hễ lá dứa khô thì bột cũng đã chín.
Trút bột ra tô. để nguội, lượm hết lá dứa ra rồi trộn nước cốt dừa và nước pha màu vô. Trộn đều, bóp cho bột thiệt tới, canh chừng cho bột hơi ươn ướt là được.
Rồi lấy khuôn nhận bột vô. Nhận bột đừng mềm quá, cũng đừng chắc quá nó dễ bị bể bánh, rồi đập ngược cái khuôn lại, một cái bánh phục linh đã thành hình.
Những cái bánh vừa làm từ khuôn ra gọi là bánh tươi, ăn mềm, nhưng không để lâu được. Muốn giữ bánh nhiều ngày thì xếp bánh lên than hồng. Bánh nướng trên than hồng thì bột sẽ khô cứng lại, cắn nghe “cốp cốp” cũng thú vị không kém.
Bánh phục linh thơm lừng lá dứa lại ngọt ngào từ vị đường và béo ngậy của nước cốt dừa. Bên chung trà sen mừng năm mới, những cái bánh phục vừa nồng nàn hòa quyện đủ mùi lẫn màu sắc giống như tình người tình đất phương Nam chứa chan, thủy chung vậy!