Trước tháng 10 năm ngoái, tôi chưa từng gặp anh Tăng Xuân Trường (sinh năm 1972). Nhưng mỗi lần có dịp về Hội Nông dân (ND) tỉnh Hải Dương hay Chủ tịch Hội ND tỉnh này là bà Phạm Thị Thu Bình lên Hà Nội họp hành, công tác thì gần như đều nhắc đến tên anh. Nhắc đến tên Tăng Xuân Trường bởi đây là một trong những hội viên được Hội ND tỉnh theo dõi, chăm chút, giúp đỡ, chia sẻ, động viên trên mỗi bước đường sản xuất kinh doanh…
Nông dân rõ mặt, người “Tây” biết tên
Khu sơ chế, bảo quản, đóng gói rau quả thực phẩm mới nhất rộng hơn 1ha đang được anh Trường gấp rút xây dựng tại xã Gia Tân (Gia Lộc). Dân xung quanh hỏi 10 người, thì có tới 9 người gọi đó là cái nhà máy chế biến rau. Toán thợ đang hối hả xây cổng, khuôn viên còn ngổn ngang gạch, đất cát. Phía trong, một khối nhà lắp ghép công nghiệp đã dựng xong.
Buôn rau dễ có mấy ai
Rồi anh một mình khăn gói, lúc đi tàu, khi bắt xe khách lặn lội đi khắp miền Trung, rồi ngược vào Nam tìm và đặt mối tiêu thụ rau xanh. Anh sang tận Trung Quốc tìm hiểu thị trường và chọn đối tác buôn rau qua cửa khẩu. Bức tranh thị trường tiêu thụ ngày một rõ, Trường quay sang vận động, thuyết phục bà con trong xã cho thuê đất để trồng rau. Rồi các mối đặt hàng nhiều hơn, anh lại đứng ra tổ chức hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp cây giống và ký hợp đồng thu mua sản phẩm với hàng ngàn hộ trồng rau trong và ngoài huyện. Ngành nông nghiệp, Hội ND tỉnh những năm qua tổ chức rất nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn ND trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP chính là điều kiện thuận lợi để anh Trường thu mua sản phẩm. Có được chút lời lãi, cộng với vay mượn thêm anh lại dùng để mua sắm xe vận tải, xây kho lạnh, xưởng sơ chế… Những năm đầu mở rộng sản xuất, kinh doanh, thành công là cơ bản.
Tuy vậy, theo thổ lộ của anh Trường, có thành công nhưng cũng có nhiều “pha” thất bại, mất mát. Ban đầu, do tiền vốn ít, đầu tư xe lạnh chưa đủ chuẩn, mang rau vào miền Nam gặp trời nắng nóng vàng rũ hết, đành phải mất thêm tiền để ngành vệ sinh mang đi vứt hộ. Tiền thu mua vẫn phải trả cho bà con.
Con người “3 thật”
Biết anh Trường còn bao công việc bộn bề đang đợi phía trước, sau mươi phút “làm phiền”, chúng tôi xin “rút lui”.
Về đến TP.Hải Dương, tôi gặp bà Phạm Thị Thu Bình - Chủ tịch Hội ND tỉnh. Đúng như dự đoán từ trước, câu chuyện mà bà Bình “say sưa” nhất vẫn là kể về Tăng Xuân Trường. Bà Bình bảo: “Đấy nhé, chú đến nơi mới biết Trường là “3 thật”- người thật, địa chỉ thật, việc thật. Chị nói thật nhé, ở cái tỉnh Hải Dương này mà có được độ 5 “ông” như Tăng Xuân Trường thì chả lo gì cái chuyện tiêu thụ nông sản cho ND. Tỉnh cũng có hẳn công ty chế biến, xuất khẩu nông sản đấy, nhưng bộ máy cồng kềnh, kinh doanh kém năng động. Do cơ chế cả…”. Tôi nhắc đến mấy cái thở dài khi gặp anh Trường, bà Bình trở nên quyết đoán: “Rồi! Chị và Hội ND sẽ có ý kiến với các ngành. Sáng nay họp chị đã có ý kiến với ngân hàng rồi. Những người như Trường rất cần sự ủng hộ. Đầu tư vào nông nghiệp, làm bạn với ND và chọn “cái món” rau, củ tươi đâu phải ai cũng làm được như Trường…”.
Với kiến thức hạn hẹp, tôi định chia sẻ với bà Bình về một số thời cơ, thách thức của những “doanh nhân nông dân” như anh Trường khi cơ hội Việt Nam ký kết thành công Hiệp định đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương-TPP, nhưng đành “nén” lại. Bởi những suy nghĩ đó, tôi đã kịp trao đổi với anh Trường trong khoảng thời gian trò chuyện ngắn ngủi. Tuy trả lời là chỉ mới nghe mang máng về TPP, nhưng có vẻ anh có hiểu được lờ mờ khi tôi hỏi anh: “Tại sao khách hàng đầu năm mới 2015 của anh lại là Nhật Bản? Tại sao sau khi mua cà rốt, khách Nhật Bản lại muốn anh đứng ra đầu tư trồng tới vài chục ha măng tây?”. Chưa trao đổi với bà Bình về chuyện này là bởi, tôi muốn Trường có thêm nhiều thành công rõ nét hơn và thử xem những điều mình thổ lộ với anh đúng được bao nhiêu phần…