Dân Việt

Tăng 66% lợi nhuận nhờ cây biến đổi gen

Thanh Xuân 05/02/2015 14:09 GMT+7
LTS: Bộ NNPTNT  và ngành chức năng đã chính thức cho phép đưa cây trồng biến đổi gen vào sản xuất tại Việt Nam bắt đầu từ năm 2015. Đây là cơ hội mới  cho ngành nông nghiệp, nông dân tăng sản lượng, hạn chế sâu bệnh trên các cây trồng, đặc biệt là ngô. Từ số báo này, trên số ra thứ 5 hàng tuần, Báo NTNN mở chuyên mục “Nông dân với cây trồng biến đối gen” nhằm cung cấp mọi khía cạnh về  loại cây này đến với bạn đọc, bà con nông dân. 

Tính đến năm 2014, sau 19 năm ứng dụng diện tích cây trồng biến đổi gen (BĐG) toàn cầu đã tăng lên 181,5 triệu ha. Năm 2015 này đánh dấu mốc 20 năm phát triển của cây trồng BĐG và Việt Nam sẽ là nước tiếp theo ứng dụng cây trồng này.

Nhiều kết quả đáng ghi nhận

Theo báo cáo của Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), kết quả ứng dụng cây trồng BĐG trong 19 năm qua đã cho thấy những kết quả rất đáng ghi nhận. Diện tích canh tác cây trồng BĐG đã tăng hơn 100 lần từ 1,7 triệu ha năm 1996 lên 181,5 triệu ha năm 2014. Đây là công nghệ cây trồng được áp dụng nhanh nhất trên thế giới. Cũng trong năm 2014, có 18 triệu nông dân tại 28 nước trồng cây trồng BĐG.

img
Giống ngô LVN215 trồng khảo nghiệm tại xã Nam Cường huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn).
Theo kết quả của 2 nghiên cứu toàn cầu năm 2014 cho thấy, cây trồng BĐG đã giúp tăng 22% sản lượng cây trồng, giảm 37% lượng thuốc trừ sâu cần sử dụng, tăng 66% lợi nhuận cho nông dân. Thu nhập trong nông nghiệp cũng đã tăng gần 133 tỷ USD từ năm 1996 đến 2013, trong đó 30% là do giảm chi phí sản xuất và 70% là do gia tăng năng suất với 441 triệu tấn.

TS James Clive- Chủ tịch danh dự của ISAAA cho biết, thách thức lớn nhất của thế giới trong thời gian tới là phải cung cấp đủ lương thực cho dân số toàn cầu ngày càng gia tăng. Dân số thế giới hiện nay là 7,2 tỷ người và con số này sẽ đạt 9,6 tỷ người năm 2050 và 11 tỷ người năm 2100. “Nếu chỉ cải tiến cây trồng theo phương pháp truyền thống, sẽ không thể tăng gấp đôi sản lượng vào năm 2050, trong khi, với công nghệ sinh học, có thể ­­làm cho khoai tây, ngô, bông, đậu tương… ít sâu bệnh hơn qua đó đảm bảo tiềm năng năng suất cây trồng, gia tăng sản lượng”- TS Clive nói.

Theo TS Clive James, cây trồng BĐG không phải là liệu pháp tổng thể nhưng là giải pháp quan trọng giúp gia tăng sản lượng lương thực trên toàn cầu. Triển vọng ngắn hạn trong tương lai của cây trồng BĐG là khiêm tốn do tỷ lệ áp dụng hiện tại cao, trên 90%. Tuy nhiên, trong dài hạn tiềm năng tăng trưởng rất rõ rệt, với khoảng 60 triệu ha cây ngô ở châu Á và tiếp theo là 35 triệu ha ở châu Phi. Các cây trồng BĐG mới được đưa vào canh tác năm 2014 cũng dự kiến sẽ tiếp tục triển khai trong các năm 2015-2016, cụ thể như cây cà tím Bt ở Bangladesh, khoai tây Innate ở Hoa Kỳ, mía chịu hạn ở Indonesia, đậu kháng virus ở Brazil và cỏ alfalfa chịu thuốc trừ cỏ ở Hoa Kỳ.

Hướng tới làm chủ công nghệ

Tại Việt Nam, hiện nay Công ty TNHH Dekalb Việt Nam đang tiến hành khảo nghiệm diện hẹp và diện rộng đối với cây ngô tại đồng bằng sông Cửu Long với kỳ vọng đây sẽ là mô hình trình diễn kỹ thuật và giá trị canh tác của loại cây trồng này. Dự kiến, khảo nghiệm sẽ cho kết quả vào tháng 5 tới, sau khi được Bộ NNPTNT đánh giá kết quả khảo nghiệm là đủ các thủ tục pháp lý để thương mại hóa cây ngô BĐG vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2016. Ngoài Công ty Dekalb, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cũng đang tiến hành khảo nghiệm cây trồng này.

Tại các hội thảo và trên các diễn đàn gần đây, những lo lắng của người dân chủ yếu vẫn là liệu khi cây trồng BĐG khi được thương mại hóa, các doanh nghiệp này có độc quyền dẫn tới giá bán giống có thể bị đẩy lên cao, người nông dân sẽ chịu thiệt? Về vấn đề này, TS Lê Đình Lương – Chủ tịch Hội Di truyền học Việt Nam cho rằng: “Không chỉ có cây trồng BĐG mới phải mua mà hàng chục năm rồi phải sử dụng hàng chục các loại hạt giống rau có ghi chứ F1 là phải mua giống, vụ sau lại phải mua. Theo tôi, hiện đã có đẩy đủ khung pháp lý về cây trồng BĐG và khi nhập về sẽ tiến tới có thể tự tạo ra giống để cạnh tranh với giống nhập khẩu”.

TS Nguyễn Thị Thanh Thủy - Vụ trưởng Vụ KHCN và Môi trường (Bộ NNPTNT) cho biết, để làm chủ công nghệ, trong thời gian qua Bộ NNPTNT và Bộ KHCN đã đầu tư những dự án tạo cây trồng BĐG tại Việt Nam. Các nhà khoa học đang cố gắng để có thể tiến tới làm chủ và tạo ra được giống của Việt Nam trong tương lai. Theo TS Thủy, vấn đề ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp nói chung và ứng dụng cây trồng BĐG trong nông nghiệp đang được Bộ NNPTNT quan tâm và thúc đẩy. Bộ NNPTNT cũng đang khuyến khích hợp tác đối tác công tư (PPP) trong nông nghiệp nhằm thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Theo nhận định của các chuyên gia, để làm chủ công nghệ BĐG cần phải đầu tư nguồn lực không hề nhỏ và cần tận dụng và kế thừa các nghiên cứu đã triển khai trên thế giới và con đường nhanh nhất vẫn là sớm ứng dụng công nghệ này ở Việt Nam trước khi tính tới việc làm chủ công nghệ chuyển gen trong tương lai.