1. Nhưng vì sao dân nhậu đã cắt đi tiếng “rượu”, chỉ nói “nhậu”?
Đơn giản, vì “rượu” (tửu) là một loại thức uống riêng dành cho việc lễ, rất thiêng liêng (“vô tửu bất thành lễ” – lễ không rượu thì không phải là lễ, mà rượu dùng trong “lễ” thì chỉ mang tính tượng trưng. Dấu tích thấy trong khai rượu đã chứng minh rất rõ điều đó: chỉ một cái nhạo cỏn con và một cái chung bé tí! Người được mời chỉ cần nếm môi là đủ!). Vì nhậu chơi không phải là “việc lễ” nên họ không dám lạm dụng trong những trường hợp say xỉn phàm tục. Rất chi là văn hóa!
2. Ngày Tết mà thiếu rượu là thiếu đi một phần đáng kể trong sinh hoạt văn hóa truyền thống (ngoại trừ những dân tộc/ tôn giáo cữ rượu).
Vì vậy ai cũng chuẩn bị sẵn rượu, ngay cả những bà vợ rất ghét nhậu, quý ông cũng không ngán, vẫn cụng ly thoải mái, bởi trong mấy ngày này không bà vợ nào muốn có chuyện gây cãi lôi thôi trong gia đình. “Mặt lớn mặt nhỏ” chỉ tổ xui cho cả năm. Thành ra, chính quý bà đã chuẩn bị sẵn nào nem bì, lạp xưởng, nào khô cá lóc, khô cá sặc rằn, nào dưa chua củ kiệu…, toàn mồi bén, để giúp quý ông “đưa cay” vui vẻ với bạn bè.
Nhà nào cũng đầy ắp những thức món “chuyên đề” về Tết. Thế là những bữa tiệc thân mật gia đình được dọn ra, đâu đâu cũng la liệt rượu, mồi, vừa ngập tràn tình cảm vừa vô cùng “hoành tráng”, bởi có thể nói nhà ai cũng sáng trưa chiều tối không bao giờ vắng khách.
Thật vậy, nếu trên bộ ván bóng loáng, bên chung trà sen, trà lài nghi ngút khói, các cụ vẫn say sưa nhắc chuyện “hồi nẵm”, thì ngoài sân, các cháu bé đang hớn hở trong bộ quần áo mới, tay không rời miếng bánh, miếng kẹo, và các cô gái đương xuân vẫn mãi nhỏ nhẻ đề tài mứt ngon, trái ngọt… thì cánh thanh niên không thể không vui vẻ bằng cách nâng ly thể hiện cao nhất “tình thương mến thương”. Họ cười cười nói nói vô cùng rôm rả nào “chúc mừng sức khỏe”, “chúc mừng năm mới”, để rồi sau đó “rượu vào lời ra”… Tất nhiên chỉ toàn những lời nói vui, hoặc những câu nói tếu, để cùng cười. Tết mà!
3. Lên bàn nhậu, họ nhập đề trực khởi:
“Gặp nhau khao một ly”, “ngồi ghế đế một ly”, “cầm đũa dũa một ly”. Thế là đã “vào ba…”. Rồi thì tất cả hãy chuẩn bị để sẽ được “thưởng” hoặc bị “phạt”. Những câu nói bắt vần như vậy vẫn được tiếp tục như, “nói mãi, đãi một ly”, ai sợ “không nói, uống vói một ly”…
Thôi thì đủ cả, kiểu nào cũng “dính”. Có người uống không trôi, hớp vô một ngụm phải lấy hơi “nhấn” vào! Họ bắt đầu hát tuồng “Mạnh ai” (rượu vào lời ra, mạnh ai nấy nói), gì chẳng ra gì, cứ lè nhè, lập nhập, có khi “xổ nho chùm”! Các cụ đằng hắng “dằn phèn”. Vài cô gái từ bàn bên kia bước sang tế nhị nhắc nhở. “Giựt dây dụi” như vậy là cần thiết và đúng lúc, nhưng hoàn toàn vô ích, phản tác dụng là khác, bởi dường như chỉ làm cho họ cao hứng thêm. Một “đại ca” đứng lên xin phép được làm “chủ xị” một vòng. Tất nhiên được duyệt. Thế là mừng khấp khởi, bèn rót đầy ly cạn, liền uống cạn ly đầy (vì “uống, nói mới tin”) rồi đề nghị “đánh nhanh rút lẹ”.
Cả bàn hoan hô: “Luật công xi (ty) cầm ly uống trước”; “Người trước uống sao, người sau uống vậy”. Đại ca bèn “khoả ngộp” liền một lúc ba ly! Xong, “xây vòng”. Ai “kê táng” (còn chừa một chút) phải uống lại ly mới, coi như “bất”. Luật công xi cũng rất dân chủ, ai cảm thấy không tiện ngồi mút mùa thì có quyền rút trước, nhưng phải thượng tôn luật… nhậu: “Vào ba ra bảy (ly)” Thành thử bàn tiệc vẫn đảm bảo đủ sĩ số. “Trận đánh” trở nên quyết liệt. “Em” nào “thọ tiển” thì được quyền “tiêu diêu miền cụp lạc”…
Đến lúc nầy hầu như “khẩu đại bác” nào cũng bắt đầu phóng pháo, nhểu nhảo tùm lum, văng tung toé lên quần lên áo, nước mắt nước mũi tuôn chảy ròng ròng…