Hội nghị trực tuyến giảm nghèo toàn quốc ngày 5.2
Cụ thể, trong giai đoạn 2009 – 2014, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chủ động đề xuất và thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững trên 3 bình diện chính như: Hỗ trợ tài chính trực tiếp, thông qua các chương trình ASXH cụ thể cho các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao. Chỉ tính riêng năm 2014, BIDV đã triển khai 405 tỷ đồng tập trung vào các lĩnh vực Giáo dục, Y tế, xoá nhà tạm cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, xây dựng cầu và đường dân sinh phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Một mảng khác là xúc tiến đầu tư, tài trợ tín dụng cho doanh nghiệp và người dân ở địa phương nghèo. Ước tính trong 5 năm 2010 -2014, BIDV đã phối hợp tổ chức hơn 10 Hội nghị xúc tiến đầu tư cấp vùng và cấp tỉnh, kêu gọi được hàng trăm dự án đầu tư với số vốn đăng ký đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, tạo công ăn việc làm đem lại phương kế giảm nghèo bền vững cho người dân.
BIDV cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi cho cá nhân, hộ gia đình đặc biệt là các gói tín dụng đặc thù cho các vùng miền còn nhiều khó khăn như khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Riêng trong năm 2014 BIDV đã triển khai các gói tín dụng bán lẻ với tổng trị giá 17.800 tỷ đồng .
Và một lĩnh vực thứ 3 là vận hành các dự án Tài chính Nông thôn, triển khai nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới đến khu vực nông thôn, phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững. BIDV được Chính phủ tin tưởng lựa chọn là Ngân hàng vận hành dự án tài chính nông thôn do World Bank tài trợ. Qua 10 năm tiếp nhận và triển khai, dự án đã tạo ra tổng mức đầu tư tại khu vực nông thôn lên đến 548 triệu USD, trong đó khoảng 90% là đầu tư trung và dài hạn. Như vậy, ước tính mỗi đồng vốn vay từ WB đã tạo ra 2,62 đồng đầu tư vào nền kinh tế nông thôn. Người dân nghèo nông thôn, đặc biệt là phụ nữ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng để có vốn sản xuất, tạo thu nhập ổn định. Số người vay cuối cùng là phụ nữ của dự án là 51%.
Theo bà Chi, những hoạt động tích cực trên của BIDV đã góp phần nhỏ bé vào thành quả chung của cả nước về giảm nghèo. Nếu so với năm 2008, trước khi có nghị quyết về giảm nghèo bền vững của Chính phủ thì công cuộc giảm nghèo đã đạt được những bước tiến dài, đặc biệt là ở các huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo từ trên 50% xuống còn 33,20%. Đặc biệt là đã giảm thiểu được tình trạng tái nghèo do sự đồng bộ trong các giải pháp giảm nghèo bền vững theo hướng: “Bước đầu cho con cá, tiếp đó phát cần câu” tạo công ăn việc làm để người nghèo có sinh kế bền vững.