Nâng cao chất lượng con giống
Ông Đỗ Đức Lợi - kỹ sư chăn nuôi thú y, cán bộ Hội ND huyện Văn Lâm cho biết: Để giúp người chăn nuôi lợn làm ăn có hiệu quả, được tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến, Hội ND huyện Văn Lâm phối hợp với Công ty Thức ăn chăn nuôi Thái Dương (Hưng Yên) thực hiện Dự án “Chăn nuôi lợn hướng nạc áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo” từ tháng 7.2011 đến tháng 7.2012, với sự tham gia của 12 hộ dân ở 2 xã Lạc Đạo và Minh Hải. Mỗi xã được hỗ trợ 1 lần không hoàn lại 24 con lợn nái hướng nạc và một con lợn đực giống.
Bà Nguyễn Thị Ngân – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Văn Lâm khẳng định: “Từ dự án và hoạt động của Hội, đến nay nhiều hộ ND đã làm chủ được kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn. Các hộ chăn nuôi không chỉ quan tâm đến phát triển quy mô mà còn chú trọng đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng con giống. Nghề chăn nuôi lợn ở huyện đang dịch chuyển theo hướng sản xuất hàng hóa, các cơ sở chăn nuôi có quy mô 150 lợn thịt/năm xuất hiện ngày càng nhiều”.
Ổn định với mô hình chăn nuôi “cỡ vừa”
Chúng tôi tới thăm gia đình ông Cao Văn Dũng (thôn Chùa, xã Minh Hải) khi ông đang tất bật chăm sóc đàn lợn. Tham quan một vòng các khu nuôi lợn, chúng tôi rất ngạc nhiên bởi cách bố trí khoa học và sự cẩn thận của ông. Ông xây khu lợn nái, lợn hậu bị và lợn thịt riêng biệt, hệ thống xả rửa tiện lợi đảm bảo các ô chuồng luôn sạch sẽ. Riêng khu lợn nái có sân chơi cho lợn con, trên mỗi ô chuồng lợn nái có 1 tờ theo dõi riêng, theo đó sẽ ghi ngày tiêm phòng, ngày phối giống, ngày dự sinh…
Ông Dũng chia sẻ: “Trước đây, tôi chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, ít chú trọng đến kỹ thuật nên lời lãi kiếm được chẳng đáng bao. Tham gia dự án của Hội ND huyện, từ 4 con lợn nái và 1 con lợn đực giống được hỗ trợ ban đầu, sau 3 năm tôi đã nhân giống thêm được 16 con lợn nái nữa, nâng tổng số đàn lợn nái lên 20 con”.
Có thêm kiến thức, lại có lợn nái và lợn đực giống, ông Dũng hoàn toàn chủ động được con giống có chất lượng tốt. Hiện tại, với quy mô nuôi 150 con/lứa, tính 3 lứa/năm, hàng năm ông Dũng có thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Ngoài ra ông cũng có khoản tiền đáng kể từ việc cung cấp tinh lợn và lợn giống cho các hộ dân có nhu cầu.
Cùng tham gia dự án và phát triển mô hình chăn nuôi cho đến hiện tại, ông Hoàng Văn Duy (thôn Đoan Khuê, xã Lạc Đạo) cho hay: “Lợn bố mẹ có tốt thì con giống mới phát triển được. Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi nên đàn lợn của tôi chưa bao giờ bị dịch bệnh. Mỗi năm tôi xuất bán hơn 250 tấn lợn hơi và 50 con lợn giống, trừ chi phí tôi có khoản lãi hơn 100 triệu đồng”.