“Tín nhiệm” hơn lời cán bộ
Xã Thanh Minh thuộc TP.Điện Biên Phủ, nhưng lại là địa bàn có nhiều bản làng thuộc diện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên. Anh Giót cho biết: “Trên 90% số hộ của xã là người Mông, người Sá, người Thái, dân trí còn thấp nhưng được cái bà con rất tin tưởng vào chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những vấn đề được báo chí đăng lên. Bà con tín nhiệm thông tin báo đăng hơn cả lời cán bộ phổ biến, tuyên truyền. Có vấn đề gì mà có một tờ báo làm dẫn chứng thì sức thuyết phục sẽ cao hơn rất nhiều...”.
Trưởng thôn Vàng Mí Sùng đọc báo Nông Thôn Ngày Nay để cập nhật thông tin. |
Ngay cả ông Lường Văn Ánh - Trưởng ban Văn hóa xã cũng khẳng định như vậy. Mặc dù diện tích các phòng làm việc của Ủy ban xã còn hẹp nhưng vẫn có một góc dành riêng cho cán bộ “cập nhật thông tin” mỗi khi có báo mới. “Nói là mới với người ở Thanh Minh chứ ở dưới xuôi người ta đã cầm tờ báo ấy từ vài ngày trước. Giao thông còn khó khăn nên bà con ở trên này cũng thông cảm với sự chậm trễ của báo” - ông Ánh chia sẻ.
Phải tốn không ít công lao của người bưu tá như anh Giót, tờ báo mới đến được trung tâm xã rồi về tới các bản. Cũng giống một số nơi khác ở Tây Bắc, tại Ủy ban xã Thanh Minh, như một thói quen, các cán bộ thường ngồi ngóng báo vào những buổi chiều trong tuần. Báo về, mọi người truyền tay nhau, ngấu nghiến đọc, riêng anh cán bộ phụ trách mảng khuyến nông của xã còn có thêm nhiệm vụ là tìm kiếm và ghi chép những thông tin, những vấn đề liên quan đến nông thôn, nông nghiệp quan trọng để hướng dẫn cho bà con khi cần.
Tại các bản xa trung tâm xã, báo thường được quản lý tại nhà trưởng bản để anh cán bộ văn hóa đọc cho bà con nghe, và hình thức ấy đã dần dần trở thành nếp. Mỗi tuần, cứ vào tối thứ 2, thứ 4 và Chủ nhật, già trẻ, gái trai lại tập trung tại nhà trưởng bản để được nghe đọc báo. “Bữa nào mưa to, gió lớn không đến nghe đọc báo được là bà con lại cảm thấy như thiêu thiếu cái gì đó...” - chị Lường Thị Nhí ở bản Pa Pốm bày tỏ. Tại các bản Tà Rành hay Kơ Nênh, mấy ông trưởng bản lại giữ các bài báo theo cách khác, đó là cắt trang 1 của số báo và phần nội dung của bài báo rồi dán lên vách gỗ của nhà sàn. Khi họp bản, bà con nào muốn xem nội dung cũng được và cần nguồn của thông tin thì cũng có ngay...
Ấm no nhờ học từ báo
Gia đình Vàng A Sùng - Trưởng bản Pa Pốm là một trong số không nhiều những hộ có của ăn, của để ở bản. Do được tham gia một số lớp tập huấn khuyến nông, lại rất chăm nghe đài, đọc báo từ tỉnh tới trung ương về kinh nghiệm làm ruộng, chăn nuôi, nên anh luôn áp dụng hiệu quả những cách thức để đạt được năng suất cao, trở thành người có uy tín trong xã, trong bản, được nhiều bà con tìm đến học hỏi.
Anh Cà Văn Hới
- cán bộ văn hóa xã Thanh Minh
A Sùng hồ hởi dẫn chúng tôi về nhà mình để “khoe” những thành quả đạt được nhờ phần nhiều vào việc học hỏi trên báo chí. Ngoài chiếc đài con là vật bất ly thân, A Sùng cất giữ khá đầy đủ các tờ báo có đăng tải những bài viết hay về nông nghiệp và vùng cao, trong đó có báo Nông Thôn Ngày Nay.
Chỉ tay vào đàn gà hàng trăm con được quây lưới nuôi ngay ngắn ở góc vườn, anh cười: “Nhờ chịu đọc báo, nghe đài và làm theo những kiến thức được phổ biến mà nương lúa nhà mình những năm gần đây đều trúng mùa nhất bản, đàn gà nuôi cũng không mấy khi bị dịch, bị chết, cứ lớn nhanh như thổi. Lúa một vụ đủ ăn cả năm, đàn gà bán vài tháng một lần cũng đủ chi tiêu, mua sắm vật dụng và cho con cái học hành...”.
Bác Vàng Mí Vừ - cựu chiến binh ở bản Kơ Nênh thì chia sẻ rằng: Dù hiện nay nhiều gia đình ở các bản đã có đài, một số hộ đã có ti vi nhưng báo viết vẫn được bà con rất coi trọng, bởi báo để dành được, khi nào cần thiết mở ra xem lại, chớ còn nghe đài, xem ti vi vừa không tiện giờ giấc, mà nhỡ có quên mất thì cũng chẳng biết đường nào mà hỏi lại. Tại một số bản ở Thanh Minh, các cán bộ văn hóa còn đưa ra sáng kiến lập tủ sách, báo với nhiều chủng loại như báo tỉnh, báo Đảng, báo về dân tộc và đặc biệt là các báo viết chuyên về nông nghiệp, nông thôn do Nhà nước cấp không thu tiền hoặc các cơ quan ban, ngành ở huyện tài trợ.
Biên Minh