Dân Việt

Xứng danh con cháu Anh hùng Núp

22/06/2013 07:17 GMT+7
(Dân Việt) - Cô gái Ba Na Đinh Thị Ngôn đang trở thành một “hiện tượng” của vùng đất khó Đăk Pơ (Gia Lai), vì được đào tạo bài bản, tài năng nghệ thuật có thừa, nhưng cô lại chọn con đường trở về quê nghèo phục vụ dân làng…

Sinh ra cuối thập niên 1980 và được nuôi dưỡng ở vùng đất kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện KBang, tỉnh Gia Lai), có bà ngoại là em ruột Anh hùng Núp, từ bé Ngôn cùng các anh chị em trong gia đình đã ý thức được trách nhiệm gìn giữ nếp nhà và truyền thống của họ tộc. Ngoài những thành tích trong học tập, chị em Ngôn còn nổi trội với năng khiếu múa hát, bởi có người cha Đinh Anhy là cán bộ văn hóa xã và mẹ - bà Đinh Thị Dép cũng có năng khiếu nghệ thuật.

img
Đinh Thị Ngôn biểu diễn đàn T’ rưng.

Tháng 9.2005, một cơ hội lớn đã đến, cả 3 chị em Ngôn được nhạc sĩ An Thuyên đích thân tuyển chọn, đỡ đầu vào học lớp tài năng trẻ của Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, khi ông trực tiếp về làng tìm kiếm tài năng. Rời làng Stơr, những bông hoa rừng mang theo niềm đam mê nghệ thuật cháy bỏng về với thủ đô Hà Nội.

Ngôn nhớ lại: “Buổi đầu nhập trường, lần đầu được đi thăm Lăng Bác Hồ, thăm phố phường… tất cả đều bỡ ngỡ. Thật may mắn là mấy chị em đã được thầy An Thuyên, cô Thanh Thúy rất thương yêu, chỉ bảo tận tình. Không phụ lòng yêu thương của các thầy cô, cả 3 chị em Ngôn đều nỗ lực học tập với tất cả lòng đam mê và được đánh giá rất cao. Cả 3 cùng ra trường với tấm bằng xuất sắc. Cô em út của Ngôn theo chồng về với Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Cao Bằng, chị gái Ngôn hiện đang là phát thanh viên cho Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh Gia Lai. Còn Ngôn, khi ra trường đã chọn Đoàn Ca múa nhạc tỉnh Đăk Lăk. Nhưng rồi tiếng gọi của đất mẹ đã thôi thúc cô trở về...

Dù là một niềm tự hào của vùng đất khó Đăk Pơ, nhưng những ai yêu mến tài năng, vẻ đẹp dịu dàng, nết na của Ngôn đều lắc đầu tiếc rẻ: “Tài năng thế, xinh đẹp thế, về cái đất này… tiếc quá!”. Nhưng Ngôn có cái lý của riêng mình: “Thực ra thì Ngôn cũng có nhiều sự lựa chọn lắm, nhưng vì thấy phong trào văn hóa của huyện còn yếu nên muốn góp chút công sức…”.

Nói về Đinh Thị Ngôn, anh Nguyễn Thanh Hiền - Giám đốc Trung tâm Văn hóa- Thể thao huyện Đăk Pơ tự hào: “Chúng tôi cũng rất bất ngờ khi Ngôn chọn mảnh đất nghèo Đăk Pơ để cống hiến. Tiềm năng nghệ thuật của Ngôn thì khỏi phải bàn đến. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để Ngôn phát huy với những ý tưởng mới mẻ của mình”.

Giờ đây, ở những buôn làng xa xôi nhất của Đăk Pơ đã vang lên tiếng hát, tiếng đàn của Đinh Thị Ngôn. Tôi cũng may mắn được nghe giọng hát trong veo, cao vút nhưng ấm áp của Ngôn, được nghe những âm thanh say đắm từ chiếc đàn T’rưng, Klong Pút…