Không phải mua chịu cám với lãi suất cao
Là 1 trong 17 hộ được vay vốn Quỹ HTND, anh Mai Quốc Việt (thôn Lập Vũ) chia sẻ: “Từ năm 2010, tôi bắt đầu nuôi lợn nái ngoại. Xuất phát điểm với 2 con nái ngoại, đến nay tôi đã nhân đàn lên 10 con và chủ động được lợn giống để nuôi lợn thịt. Mỗi năm xuất bán hơn 20 tấn lợn hơi, doanh thu hơn 800 triệu đồng, tôi thu về hơn 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Anh Việt và các hộ khác còn được tham gia vào tổ nông dân liên kết chăn nuôi lợn trên vùng chuyển đổi. “Tôi đã học được nhiều điều hay từ các thành viên trong tổ. Chẳng hạn, cách cho đàn lợn ăn thêm thức ăn sinh học không chỉ giảm đáng kể chi phí thức ăn mà chất lượng thịt cũng được nâng cao” - anh Việt bày tỏ.
Chị Phạm Thị Thúy (sinh năm 1976, thôn Vụ Nữ) cũng là một trong những hộ chăn nuôi lợn nái ngoại có thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. “30 triệu đồng vay từ Quỹ HTND không nhiều, nhưng phần nào tháo gỡ khó khăn cho chúng tôi, bởi không phải lo mua chịu cám cho đàn lợn với lãi suất cao nữa” – chị Thúy tâm sự.
Liên kết người chăn nuôi
Trao đổi về tình hình sản xuất nông nghiệp của địa phương, ông Triệu Đình Hưng – Chủ tịch Hội ND xã Hợp Hưng chia sẻ: Toàn xã Hợp Hưng có 1.689 hộ, trong đó chiếm 90% số hộ sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, chăn nuôi là thế mạnh của xã. Hiện xã có 27 hộ được UBND huyện Vụ Bản công nhận mô hình kinh tế trang trại và gần 20 hộ có mô hình kinh tế gia trại.
Ông Hưng cho biết: Dự án chăn nuôi lợn nái ngoại do T.Ư Hội NDVN phối hợp với Hội ND tỉnh Nam Định thực hiện ở xã Hợp Hưng, từ tháng 4.2014 - 4.2016, với sự tham gia của 17 hộ ND, hộ vay nhiều nhất là 30 triệu đồng, hộ vay ít nhất là 25 triệu đồng, phí vay 0,7%/tháng. “Ngay sau khi tiếp nhận dự án chăn nuôi lợn nái ngoại, để đảm bảo vốn đến đúng đối tượng và sử dụng đúng mục đích, Hội ND xã đã tiến hành họp từng chi hội, bình xét công khai, ưu tiên các hộ thực sự cần vốn, có kinh nghiệm và biết tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến trong chăn nuôi” – ông Hưng cho biết thêm.
Cũng theo ông Hưng, trước đây các hộ chăn nuôi trong xã làm tự phát, ít khi tham khảo hay trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi với nhau. Với việc được vay vốn Quỹ HTND, các hộ vay vốn đã tập hợp lại thành tổ nông dân liên kết chăn nuôi lợn trên vùng chuyển đổi. Ngoài trao đổi thông tin với nhau về giá thức ăn, phòng dịch bệnh, hàng tháng, các hộ này còn tham gia dự án họp kiểm đếm tiến độ đầu tư của từng hộ, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi.