Một người đàn ông Úc gốc Việt vừa tiến hành lấy chữ ký của hơn 2.000 người Á Đông đang sinh sống ở Úc vào một đơn đệ trình yêu cầu tên gọi tiếng Anh của Tết Nguyên đán - “Chinese New Year” (Tết Trung Quốc) đổi thành “Lunar New Year” (Tết Âm lịch).
Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong âm lịch của người Á Đông sinh sống tại Úc. Mỗi dịp Tết Nguyên đán đến, cộng đồng người Á Đông sinh sống ở Úc lại cùng nhau “mở hội”, trong đó có cả người Hàn Quốc, người Việt Nam…, không chỉ có người Trung Quốc.
Cụm từ “Chinese New Year” được phổ biến rộng rãi ở nhiều nước phương Tây để chỉ dịp Tết Âm lịch của người phương Đông. Lý do có lẽ là bởi cộng đồng người Trung Quốc sinh sống ở hải ngoại đông hơn hẳn những cộng đồng khác, khiến người phương Tây trước đây vô hình trung “đánh đồng” dịp Tết Âm lịch của nhiều nước Á Đông thành “Tết Trung Quốc”.
Trong số 2.000 người ký vào bản đệ trình của anh Anthony Ngo, có nhiều người đến từ những nước Á Đông khác nhau. Anh Anthony Ngo đã gửi bản đệ trình này lên chính quyền thành phố Sydney để đề nghị dừng việc sử dụng cụm từ “Chinese New Year” vào mỗi dịp Tết Âm lịch.
Anh Anthony cho biết: “Nếu tôi gặp người Trung Quốc và chúc họ rằng Tết Việt Nam vui vẻ nhé, câu chào đó rõ ràng có điều không ổn. Vậy thì trong cộng đồng những người gốc Việt chúng tôi, việc chúc nhau Tết Trung Quốc vui vẻ nhé cũng vậy thôi. Chúng ta hãy thay thế bằng Tết Âm lịch”.
Thực tế là nhiều cơ quan hành chính và đơn vị, tổ chức trên khắp nước Úc đã dần dần thay đổi việc sử dụng cụm từ “Chinese New Year” thành “Lunar New Year” bởi cộng đồng những người Á Đông sinh sống trên đất Úc khá đông đảo và đa dạng, đến từ nhiều quốc gia khác nhau.
Một người đại diện của chính quyền thành phố Sydney đã chia sẻ với báo chí rằng hội đồng thành phố đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý kiến trên mạng Internet về vấn đề này nhưng đáng tiếc là số lượng người bỏ phiếu cho việc giữ nguyên cụm từ “Chinese New Year” trong các hoạt động truyền thông, đưa tin vẫn chiếm đa số:
“Chúng tôi đã nhận được một số đơn đệ trình từ nhiều cộng đồng người Á Đông khác nhau. Nhưng kết quả bỏ phiếu lại là giữ nguyên cụm từ Chinese New Year… Thực sự chúng tôi đã tạo ra một cơ hội để tiếng nói của các cộng đồng Á Đông đang sinh sống tại Úc được lắng nghe”.
Tuy vậy, cuộc bỏ phiếu này vẫn đang tiếp tục tiến hành, vì vậy, những cộng đồng Á Đông sinh sống ở Úc, đặc biệt là ở Sydney, quan tâm tới câu chuyện này có thể vào tham gia bỏ phiếu để “thay đổi cục diện” từ những năm sau.
Đại diện chính quyền cho biết thêm rằng: “Chúng tôi rất sẵn sàng kéo dài thời hạn tiến hành trưng cầu ý kiến để những cộng đồng người Thái, người Hàn, người Việt... tiếp tục tham gia bỏ phiếu, ngay cả người Úc cũng có thể bỏ phiếu bởi dịp Tết này đang dần trở thành một sự kiện thú vị đối với tất cả người dân sống ở Úc”.
Về phần anh Anthony Ngo - người thực hiện đơn đệ trình và xin chữ ký cộng đồng, anh cho biết sẽ tiếp tục cố gắng bằng những biện pháp khác để có thể thay đổi tên gọi ngày Tết Âm lịch ở thành phố Sydney, Úc thành “Lunar New Year”:
“Tôi sẽ tiếp tục cố gắng, tôi biết những giá trị mà nước Úc đề cao, đó là tư tưởng cởi mở và dành cho tất cả mọi người những cơ hội bình đẳng” - anh Anthony Ngo khẳng định.