Dân Việt

Hàng cau quê nội!

Luyện Bùi 08/04/2015 08:30 GMT+7
Thủa nhỏ, hè năm nào tôi cũng được ba mẹ cho về quê chơi. Triền đê, tiếng sáo, con diều và hàng cau quê nội là kho kỷ niệm đầy ắp trong tuổi thơ tôi.
Quê nội tôi, từ con đường làng, ngõ xóm và hầu như trước cổng mỗi nhà đều có một hàng cau xanh ngắt, thẳng tắp dẫn vào lối đi.

Nội kể đó là cái lệ làng từ xưa, hàng cau đường làng thường gọi là “Cau con gái đi lấy chồng”. Nhà nào có con gái đi lấy chồng sẽ mang lễ dâng làng 5 cây cau nhỏ để trồng ở đường làng, hàng nối tiếp hàng trên đường mòn nhỏ dẫn lối vào làng rợp bóng cau xanh. Lâu dần, các gia đình trồng thêm ở ngõ dẫn vào nhà hàng cau thẳng tắp.

Nội bảo, hàng cau thân thuộc với người dân nơi này, cả đời người gắn bó với hàng cau. Với nội, từ nhỏ cụ cố dạy những bước đi đầu tiên trên ngõ nhỏ dưới những tán cau rợp bóng bóng. Lên 5, lên 7 sớm mai nhìn nắng mới hàng cau theo mẹ ra đồng. Thủa ấu thơ, bẹ cau già rớt xuống con trẻ hò nhau làm tàu kéo mo cau ồn ào cả ngõ xóm, rồi cả tụi quẩn quanh chơi hoài bên rặng cau cả ngày không chán. Lớn lên, là thiếu nữ hẹn hò với bạn bè dưới ánh trăng nhìn hoa cau rụng trắng thềm nhà, rồi khi xuất giá, lễ gửi làng là một hàng cau nối dài ngõ nhỏ.

Nội tôi cũng vậy, dù bán hàng xén, sớm khuya tảo tần, nhưng hễ tuần rằm lại trẩy cau theo người ra kẻ chợ. Nhiều tuổi, nội không còn chạy chợ xa gần, ở nhà vui vẻ bên cháu con, chiều xuống ngồi đầu hiên bổ cau cùng mấy cụ già trong xóm, ngồi nhai trầu trông tụi nhỏ.

Nội dặn cháu con, hàng cau là kỷ niệm cả đời người không chỉ riêng nội mà của cả những cụ già nơi đây, dẫu có thay đổi, biến thiên cũng cố gắng mà giữ lấy hàng cau bên nhà. Miếng cau, tấm trầu không là miếng đói, miếng no nhưng là ký ức, là hoài niệm cả chặng đường dài. Nội nói rằng sau này nội có mất đi con cháu có đi xa, về gần nhìn cau là thấy người, là nhớ đến nội. Nội dạy rằng, cây cau dù đất có cằn, nắng có xanh hay mưa gió bão bùng thì trong mưa, trong gió vẫn vươn lên thẳng tắp và xanh ngắt, con người ở đời cũng vậy cho dù có khó khăn thiếu thốn trăm bề cũng phải đứng lên vững chắc đường hoàng như thế.
img
Hàng cau quê nội (Ảnh: Luyện Bùi)
Ngày nội đi xa, hàng cau không mùa trổ nụ, bẹ già rụng đầy sân như thương tiếc người đi, mọi người lấy mấy cây cau sẳn chắc, đưa người đi về nơi an nghỉ.

Nội đi rồi, hàng cau vẫn còn đó, vẫn vươn lên thẳng tắp, cháu con tự nhủ với lòng mình cho dù cuộc sống có thăng trầm, có đổi thay vẫn sẽ có giữ gìn hàng cau như luôn nhớ về nội, nhớ lời dặn dò của nội để dặn lòng mình phải sống sao cho ngay thẳng, trong sáng.

Giờ đây quê nội không còn lệ “Hàng cau con gái lấy chồng”, đường làng ngõ xóm rộng rãi, khang trang hơn, nhưng những con ngõ nhỏ dẫn vào nhà vẫn còn lưu giữ hàng cau như lưu giữ hoài niệm của đời người, lưu bóng người xưa để cháu con nhớ người đã khuất.

Chiều nay, về thăm quê đường làng ngõ nhỏ vẫn vẹn nguyên hàng cau năm nào, nhìn cau nhớ đến nội mà lòng rưng rưng.