Tính chuyện làm giàu
Khu dân cư số 2 nằm sát nghĩa trang liệt sĩ Hàng Dương ở Côn Đảo có 164 hộ. Trừ một số hộ đánh bắt hải sản, còn lại ND chủ yếu làm rẫy, trồng rau màu, chăn nuôi bò. “Năm 2013, cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH (gọi tắt là Phòng Giao dịch) cùng với Hội ND đến khảo sát, vận động chi hội thành lập tổ tiết kiệm vay vốn, lúc đó mới có 7 thành viên tham gia. Cuối năm 2014 có thêm 14 hộ viết đơn gia nhập” - ông Đoàn Văn Định - Chi hội trưởng Chi hội ND khu dân cư số 2 kiêm tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn nói.
Anh Nguyễn Văn Liên (phải) thoát nghèo nhờ được vay vốn Ngân hàng CSXH.
Cũng từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, anh Lê Văn Tài lại chuyên tâm sản xuất các loại rau – củ – quả. Năm 2011, anh Tài đưa vợ con ra đảo thăm người thân rồi ở lại, thuê 0,3ha đất trũng, cải tạo trồng các loại rau màu. “Ba năm nay, năm nào em cũng thu 200 triệu đồng nhờ rau, ngon ăn hơn làm lúa” - anh Tài nói. Anh còn tham gia tổ tiết kiệm vay vốn của chi hội khu dân cư số 2 rồi lên phương án vay 20 triệu đồng đào ao nuôi thả cá nước ngọt. Tết Ất Mùi này, vợ chồng anh Tài sẽ thu hoạch lứa cá đầu tiên ở Côn Đảo từ vốn Ngân hàng CSXH. Anh Tài ao ước sẽ tích lũy từ rau và cá, quyết tâm mua 1.000m2 đất sản xuất để chủ động tính chuyện làm giàu.
Ít người, nhưng hiệu quả lớn
Đến cuối năm 2014, dư nợ tín dụng của Phòng Giao dịch huyện đảo đạt 13,466 tỷ đồng, hỗ trợ 654 hộ vay. Người vay không chỉ sinh lợi từ vốn ngân hàng mà còn trả nợ sòng phẳng. Ông Trương Quang Huân - Giám đốc Phòng Giao dịch Côn Đảo giải thích, nguyên nhân nợ quá hạn rất thấp là do tổ trưởng các tổ tiết kiệm vay vốn của các đoàn thể quần chúng cùng với cán bộ ngân hàng tuyên truyền, tư vấn cho người dân biết cách sử dụng vốn, có ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Chúng tôi công tác nơi đây đều xa vợ con trong đất liền nhưng ai cũng cảm thấy hạnh phúc vì bà con sử dụng vốn vay hiệu quả” – ông Huân tâm sự.