Dân Việt

Rau củ ngày tết: Nơi tăng phi mã, chỗ từ từ giảm

Nhóm PV 12/02/2015 13:15 GMT+7
Theo khảo sát của phóng viên NTNN tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, càng cận tết, giá cả các loại nông sản càng tăng nhanh, khoảng 5 - 15% tùy mặt hàng, mặc dù vậy lượng tiêu thụ của người dân vẫn tăng cao.

Rau củ tăng giá từng ngày

5 giờ sáng ngày 12.2, phóng viên có mặt tại chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Mặc dù trời mưa rét nhưng xe chở hàng và người lao động vẫn đang tấp nập vận chuyển hàng hóa vào chợ. Những cuộc trao đổi, ngã giá được tiến hành nhanh chóng để tiểu thương kịp mang hàng về chợ bán lẻ vào buổi sáng.

img

Giá các mặt hàng rau củ tại chợ Tân An (Cần Thơ) đang giảm mạnh (ảnh CHÚC LY).

Trò chuyện với phóng viên, chị Nguyễn Thị Huyền, tiểu thương buôn bán tại chợ Ngọc Lâm (Long Biên) cho biết, chợ đầu mối Long Biên thường hoạt động nhộn nhịp từ nửa đêm cho tới 8 giờ sáng. Những mặt hàng rau, củ, quả tươi tại đây rất đa dạng, nhưng mùa này chị Huyền chủ yếu nhập chanh, ớt, gừng, hành, tỏi, khoai tây, bí xanh, măng tươi..., còn các loại rau ăn lá ít nhập bởi đã có bà con nông dân từ các huyện ngoại thành mang đến tận sạp của chị.

Hỏi về giá cả, chị Huyền cho biết: “Khoảng 2-3 hôm trở lại đây, các loại rau củ tăng giá rất nhanh. Cuối tuần trước cải ngọt chỉ 5.000 – 8.000 đồng/kg thì nay tăng lên 14.000 đồng/kg; cải ngồng tăng từ 12.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg; cải xanh trước có 5.000 đồng/2 mớ, nay đã tăng gấp đôi, 5.000 đồng/mớ. Tương tự, các loại nấm tươi cũng tăng khoảng 5 - 10%, như nấm kim châm trước chỉ 10.000 đồng/gói, nay tăng lên 13.000 đồng/gói; nấm hải sản 75.000 đồng/kg”.

Cũng theo chị Huyền, một số loại rau tăng giá chủ yếu là do nông dân đang vỡ ruộng để chuẩn bị cấy, dẫn đến nguồn cung hàng ít hơn nên đã đẩy giá lên cao. Chỉ có vài loại nông sản là vẫn giữ giá, như rau muống 4.000 đồng/mớ; cải xong 4.500 – 5.000 đồng/mớ; mùng tơi 4.000 đồng/mớ. Thậm chí khoai tây, cà rốt, cà chua còn giảm giá, cụ thể, đầu mùa khoai tây 20.000 đồng/kg thì nay giảm còn 12.000 đồng/kg; cà chua từ 15.000 đồng/kg xuống còn 10.000 đồng/kg.

“Mặc dù giá rau củ đang đắt lên 5 - 15% nhưng vẫn dễ bán vì nhu cầu của người tiêu dùng tăng nhanh nên lượng hàng tôi nhập về cũng nhiều hơn ngày thường. Ví dụ như cải cúc, trước tôi chỉ bán 70 mớ/ngày thì nay bán khoảng 90 – 100 mớ; su hào bình thường bán 40 – 50 củ/ngày, nay bán 60 – 70 củ. Đặc biệt là mùa này, rau củ hàng trong nước tràn ngập, kể cả bắp cải, súp lơ, cải thảo, khoai tây chứ không phải nhập hàng từ Trung Quốc nên người tiêu dùng rất thích” – anh Đào Trọng Hiếu, tiểu thương chợ Xuân Đỉnh (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết.

Ngược lại với thị trường Hà Nội, theo ghi nhận của phóng viên tại TP. Cần Thơ ngày 12.2, do lượng rau, củ về các chợ khá dồi dào nên giá bán phần lớn các loại rau, củ trên thị trường giảm nhẹ.

Cụ thể, tại chợ Hưng Lợi, Xuân Khánh (quận Ninh Kiều), các loại củ sắn, dưa leo, cà chua, bí đao, mướp, bầu dao động từ 5.000 - 12.000 đồng/kg tùy loại; củ kiệu giảm giá mạnh, chỉ khoảng 9.000 đồng/kg, trong khi hơn 1 tuần trước giá lên tới 25.000 - 30.000 đồng/kg; đậu que giá 5.000 đồng/kg; củ hành tím 18.000 đồng/kg. Các loại cải cũng giảm nhẹ, như bông cải giá 7.000 đồng/kg, bắp cải 5.000 đồng/kg, cải tùa xại (cải làm dưa) 13.000 đồng/kg. Riêng khổ qua, tiểu thương dự báo sẽ tăng giá trong các ngày sắp tới vì nhiều người quan niệm, ăn khổ qua cho qua cái khổ nên tết nhà nào cũng có nồi khổ qua hầm, hiện khổ qua có giá từ 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Trái cây ùn ùn về chợ tết

Trong khi mặt hàng rau, củ tăng giảm thất thường thì càng cận tết, giá các loại trái cây càng tăng mạnh. Chị Nguyễn Thị Thu, tiểu thương chợ Ngọc Thụy cho biết: “Chỉ trong 2 tuần nay, giá cam đường Canh đã tăng chóng mặt, từ 75.000 – 80.000 đồng/kg tăng lên 90.000 đồng/kg, và hiện giá bán lẻ đã là 110.000 đồng/kg. Bưởi da xanh cũng tăng thêm khoảng 10.000 đồng/quả, theo đó bưởi da xanh loại 1 ở mức 160.000 đồng/quả; vú sữa Lò Rèn tăng thêm 15.000 đồng/kg, ở mức 90.000 đồng/kg. Tôi cầm mấy chục triệu đồng đi nhập hàng mà thấy vẫn như chưa mua được gì”. Cũng theo chị Thu, dự báo sau Tết ông Công ông Táo giá trái cây sẽ còn tăng nữa, nhất là các loại quả đặc sản và trái cây nhập khẩu, bởi nhu cầu người dân mua quà biếu tết sẽ tăng mạnh.

img

Trái cây chưng tết dự báo sẽ tăng giá thêm 5-10% nhưng vẫn dễ tiêu thụ. (Ảnh Thiên Hương)

 

Tuy là vựa trái cây nhưng tại các chợ ở ĐBSCL, những ngày này các mặt hàng trái cây đều đồng loạt tăng giá. Chị Nguyễn Thu Hằng, tiểu thương chợ Nàng Mau (huyện Vị Thủy, Hậu Giang) cho biết, đu đủ vàng hiện ở mức 15.000-22.000 đồng/kg (loại 3-4 trái/kg), dưa hấu 8.000 đồng/kg, bưởi Năm Roi 35.000-40.000 đồng/kg, bưởi da xanh tăng từ 40.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg trở lên; thanh long tăng từ 20.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; quýt đường loại 1 trước chỉ 35.000 đồng/kg thì nay ở mức 50.000 đồng/kg...

Chị Phan Thị Sen, một khách hàng tại chợ huyện Long Mỹ (Hậu Giang) chia sẻ: “Năm nay các loại rau xanh, củ quả khá dồi dào, mẫu mã đẹp, giá lại khá mềm nên người nội trợ rất thích. Còn các loại trái cây chưng Tết tôi định 2-3 hôm nữa mới mua để tránh bị hư, vì thế dù có mắc cũng phải mua thôi”.

img
Giá trái cây dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày cận tết

 

Mặc dù được dự báo giá trái cây chưng tết và một số loại rau củ có thể sẽ tăng thêm khoảng 5-10% trong vài ngày tới, nhưng theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT), dịp Tết Nguyên đán năm nay dự báo sẽ không thiếu rau, củ, quả do thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất, nhất là vụ đông ở miền Bắc. Theo báo cáo của các địa phương, diện tích sản xuất rau trên cả nước đạt khoảng 881.000ha, tăng gần 33.000ha so với năm 2013, trong đó miền Bắc 400.000ha, miền Nam 481.000ha. Sản lượng chung ước đạt 15,419 triệu tấn, tăng 796.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Ông Định cũng cho biết, để bảo đảm nguồn cung cho thị trường dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Cục Trồng trọt đã có văn bản gửi Sở NNPTNT các tỉnh, thành phố phía Bắc từ những ngày cuối tháng 12.2014 đề nghị tập trung chỉ đạo công tác chăm sóc và sản xuất bảo đảm tính mùa vụ, năng suất cây trồng tại các địa phương. Đặc biệt đối với diện tích rau trên đất chuyên màu đã thu hoạch, các địa phương cần chỉ đạo nông dân khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất và chuẩn bị hạt giống rau các loại, bảo đảm chất lượng để tiếp tục gieo trồng ngay trên diện tích mới thu càng sớm càng tốt, góp phần bảo đảm nguồn rau cung cấp cho thị trường, nhất là dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Mặc dù được dự báo giá trái cây chưng tết và một số loại rau củ có thể sẽ tăng thêm khoảng 5-10% trong vài ngày tới, nhưng theo ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT), dịp Tết Nguyên đán năm nay dự báo sẽ không thiếu rau, củ, quả do thời tiết rất thuận lợi cho sản xuất, sản lượng cung ứng dồi dào.