Trong phiên chất vấn trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội gần đây, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã khẳng định hướng đi sắp tới của nông nghiệp Việt Nam là phải hướng tới thị trường, hướng tới hàng hóa chất lượng cao, phải sản xuất theo chuỗi, không để bị cắt khúc…
Bộ trưởng có nêu ra ví dụ về nuôi lợn: Đã đến lúc phải quan tâm hơn tới các giống lợn bản địa mà cho chất lượng thịt cao. Nó sẽ thành đặc sản, có đặc sản thì chúng ta mới có thể cạnh tranh được với nước bạn. Ta phải đưa ra cái mà người ta không có nhưng họ lại thích. Lâu nay, trong thực tế, hễ ta có cái gì mà bạn cũng có thì y như rằng, ta lại sắp xếp sau bạn. Ta cứ thử nhìn vào các loại hoa quả của ta như: Na, ổi, chuối, mít, hồng xiêm, xoài, đu đủ, táo, sầu riêng… Hầu như tất cả các giống ấy của ta đều thua giống của Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc, Malaysia… Ta chỉ mạnh những thứ mà chỉ có mình nước ta trồng hoặc diện tích trồng của ta là chủ yếu như: Hồ tiêu, cao su, cà phê, lúa gạo, sắn… Vì vậy, đã tới lúc ta cần đẩy mạnh việc sản xuất những loài đặc sản mà chỉ ở ta mới có hoặc mặt hàng của ta mà bạn bè trên thế giới hâm mộ.
Riêng trong lĩnh vực chăn nuôi, có rất nhiều loài cần được đánh giá lại cho đúng giá trị của nó để đưa vào sản xuất. Tôi nhớ có lần, TS-Võ Văn Sự - một chuyên gia về các loài động vật quý hiếm của Viện Chăn nuôi đã nói với tôi: “Có khi ta phải xem xét lại về lợn ỉ. Tuy nó tăng trọng kém và nhiều mỡ nhưng mỡ của nó lại ngon hơn hẳn mỡ của các loại lợn công nghiệp…”.
Độc đáo mới dễ “hái ra tiền”
Trước hết, bọn tôi đi vào các con thủy đặc sản như: Ba ba, ếch, lươn, cua biển… Các kết quả khảo nghiệm rất mỹ mãn. Chúng tôi xây dựng thành quy trình rồi phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và viết thành sách để bà con các nơi có thể nuôi theo. Cả một phong trào nuôi thủy sản rộ lên trên khắp đắt nước. Cho tới nay, nó vẫn được duy trì tốt. Chỉ tiếc rằng, vai trò của Nhà nước trong việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ chưa rõ nét nên nó vẫn dừng ở tình trạng tự sản, tự tiêu. Nếu chúng ta đánh giá đúng giá trị của nó thì mấy loài đặc sản này khác gì các loại cá da trơn, ta hoàn toàn có thể đưa nó vươn xa trên thị trường thế giới. Lúc đó, quy mô sản xuất sẽ được nâng lên cùng với công nghệ bảo quản và chế biến. Ta nên xem xét lại vấn đề này và coi đó là tiềm năng để giúp dân vươn lên.
Đơn giản hơn thì có con ba ba. Ba ba đã thành loài vật nuôi có mặt ở khắp nơi, suốt từ miền núi đến miền xuôi. Ba ba là loại thực phẩm cao cấp. Hơn thế nữa, ở nhiều nước, ba ba còn được coi là một vị thuốc quý. Đặc biệt là ba ba gai và ba ba trơn nuôi ở phía Bắc. Người Nhật đã đến gặp chúng tôi để trao đổi về vấn đề này. Họ cho rằng, ba ba ở phía Bắc có một thời gian ngủ đông. Đó là lúc nó tích lũy các chất quý mà người ta coi đó là thuốc. Họ cần mua với số lượng lớn. Nếu ta muốn đáp ứng được thì phải tổ chức nuôi theo quy mô hiện đại, phải có sự tham gia của Nhà nước…
Khai thác “kho vàng” nguồn gen quý
Con kỳ đà cũng được dân ta nuôi khá phổ biến. Tôi tới thăm gia đình chị Tâm (ở Lộc An, Bảo Lộc, Lâm Đồng). Chị nuôi tới hơn 200 con kỳ đà. Con to cũng được 6-7kg. Nuôi nó cũng dễ, chỉ khó khăn thức ăn. Nếu chủ động được thực ăn thì rất nên nuôi kỳ đà. Giá thịt kỳ đà có rẻ đâu! Chỉ nuôi dăm con là đã có được một món tiền to. Nó lại thích ăn trên những thứ bỏ đi như trứng thối, gà con, vịt con chết, cá ươn… Tức là những loại thức ăn động vật đã bốc mùi. Ở các trại úm gà, bà con hay kết hợp nuôi thêm kỳ đà.
Suốt dọc miền Trung, ta còn có thể tổ chức nuôi nhông cát. Con nhông không xa lạ gì với bà con chúng ta. Nhiều người mê thịt nhông. Trước đây, chỉ có dân ta ăn nhông. Nay, “Tây” sang tắm ở Mũi Né cũng lùng sục đi tìm nhông cát để nhắm rượu. Họ cũng thích món nhông nước chấm tương ớt như dân ta. Một công ty của Đài Loan muốn mở một trang trại ở Bình Thuận để thu mua nhông cát và đưa về bên họ. Do đó, ta cũng nên đưa nhông cát vào danh sách của loài đặc sản cho riêng vùng cát nóng ở miền Trung.
Đối với gia cầm, ngoài các giống gà công nghiệp (mà ta rất khó cạnh tranh với nhiều nước trên thế giới) ta nên phát triển mạnh các giống gà bản địa, các giống đặc sản khác của ta. Hiện nay, con trĩ đỏ được nuôi khá nhiều. Thịt trĩ rất ngon; sao ta không tổ chức nuôi lớn rồi xuất bán ra cho thế giới? Vịt trời cũng vậy. Anh nông dân Tô Quang Dần ở tít tận Lục Nam (Bắc Giang) mà cả nước tiến tới đểm xem anh nuôi vịt trời như thế nào. Bây giờ thì nhiều người đã biết nuôi vịt trời. Vậy, ta có thể đẩy mạnh nó thành một hướng sản xuất lớn được không?!
Ngoài ra, ta còn gà Đông Tảo, gà mía, gà tre, gà rừng, gà ác… và nhiều loại gà quý ở từng địa phương. Chúng cũng nên được tổ chức sản xuất lớn để đưa ra các nơi. Đặc biệt, loài gà khổng lồ - con đà điểu càng nên tính toán để hình thành một ngành nuôi lớn.
Chúng ta còn rất nhiều các loại động vật có thể tổ chức nuôi lớn như: Nhím, lợn rừng, cầy hương, dúi… Chúng đều được coi là con đặc sản. Chúng tôi đã nghiên cứu kỹ và viết thành quy trình nuôi cho từng loại đó để bà con hiểu và nuôi được. Sách đã được in trong bộ sách “100 nghề cho nông dân” mà nhà xuất bản nông nghiệp đã phát hành.