Do đó, chúng ta thấy mậu dịch giữa Việt Nam và Mỹ tăng rất nhanh, từ 1 tỷ USD (năm 2001) lên đến 24,5 tỷ USD (năm 2012) và 29,1 tỷ USD năm 2013 (thống kê hải quan, 10.3.2014).
Vậy Việt Nam sẽ được lợi ích gì khi tham gia TPP ?
Câu hỏi này còn khá sớm để trả lời. Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các quốc gia trong TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương), hy vọng sẽ hưởng chế độ bãi miễn thuế quan và các chính sách phi thế quan (thí dụ phí chống phá giá) của một số nước đối với hàng Việt Nam (như cá tra, tôm…).
Cũng theo tài liệu mật bị tiết lộ này, các tập đoàn lớn sẽ siết chặt luật lệ theo nước họ, nhất là luật quyền sử hữu trí tuệ vì họ biết Việt Nam hay sao chép đĩa nhạc, phim truyện, phần mềm vi tính, hoặc làm giả hàng nước ngoài. Và họ có quyền kiện ra tòa án quốc tế, phớt lờ tòa án sở tại.
Vì vậy, khi gia nhập TPP, Việt Nam phải hết sức dè dặt và cân nhắc đánh đổi lợi hại, liệu chúng ta có cưỡng lại áp lực phải sửa đổi một số luật và chính sách hiện hành hay không?
Quan trọng hơn nữa là các doanh nghiệp (DN) của chúng ta từ các nông dân cá thể và hợp tác xã nông nghiệp phải được nâng cao trình độ chuyên môn, đổi mới kỹ thuật nuôi trồng, kết hợp với các DN chế biến cũng phải được nâng cao; trình độ quản lý và chuyên môn, đổi mới trang thiết bị hiện đại mới có thể cạnh tranh với các nước khác hoặc đạt tiêu chuẩn chất lượng mà nước nhập khẩu đòi hỏi. Tuy nhiên, nhìn mặt tích cực của các điều lệ của hiệp định, có thể nói là họ tập cho xã hội Việt Nam dần dần đi vào cung cách sống theo thế giới văn minh.
Những bước chuẩn bị gì trước khi hội nhập?
Cũng như trong giai đoạn Nhà nước Việt Nam lo đàm phán với các quốc gia thành viên khi chuẩn bị gia nhập WTO, nay đến đàm phán trong TPP và AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN), mới đây Nhà nước vừa thành lập chương trình quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh của các tầng lớp sản xuất kinh doanh trong nước.
Nhưng có lẽ do chúng ta quá tự mãn với thành tích quốc gia đã xuất khẩu nhiều gạo, cà phê, hồ tiêu, trái thanh long và một số ít trái cây nhiệt đới khác, cá tra và nhiều loại thủy hải sản khác... nên quên rằng chất lượng nông sản của ta chưa đạt đỉnh cao của thế giới. Do đó hoạt động của chương trình nâng cao năng lực cạnh tranh còn quá lu mờ. Bây giờ tìm một nông sản Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng thế giới rất hiếm, ngay cả mặt hàng gạo Việt Nam cũng không có thương hiệu nổi tiếng. Hàng nông sản của ta phần lớn do nông dân cá thể sản xuất trên đất đai manh mún nên giá thành cao quá, từ lúa gạo đến trái cây, mía, hồ tiêu, cà phê không được tổ chức trồng trên quy mô lớn gắn kết với khu công nghiệp chế biến thành hàng có thương hiệu mạnh.
Thủy sản cũng đồng cảnh ngộ như thế, nhiều nhà đầu tư nuôi trồng thủy sản đã bị phá sản. Nhà máy chế biến của ta phần lớn chưa có thiết bị hiện đại nên hiệu suất thấp càng đội giá thành lên cao.
Thí dụ điển hình nhất là đường cát trắng của Việt Nam, một mặt hàng xóa nghèo quen thuộc trước đây được Nhà nước bảo hộ, nay không cạnh tranh được với nước khác vì giá thành 1kg đường của ta cao hơn Thái Lan từ 20-40%. Mặc dù vừa qua Chính phủ phổ biến chính sách tái cơ cấu nền kinh tế và một loạt chương trình hội nhập, Nhà nước cần đầu tư thật mạnh cho chương trình quốc gia nâng cao năng lực cạnh tranh do một ban đặc nhiệm của Chính phủ chỉ đạo cho tất cả các ngành của nhà nước và tư nhân. Mỗi ngành tự soạn ra các nội dung cần đổi mới hoặc nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để các hàng hóa sản phẩm của ta được khách hàng chấp nhận, các dịch vụ của ta có hiệu quả cao đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Chuẩn bị sống chung trong TPP và AEC
Thực tế đáng buồn là, sau 5 năm hội nhập WTO, xuất khẩu của chúng ta không tăng lên nhiều, vẫn ở mức tăng trưởng khoảng 20%. Xuất khẩu gần đây đã gần như nhường sân cho các doanh nghiệp FDI với trên 60% kim ngạch xuất khẩu cả nước (trong khi DN trong nước chỉ tăng xuất khẩu được 3%)... Nếu như không cải thiện tình hình, một ngày nào đó, các DN FDI chuyển hướng đầu tư sang nước khác thì xuất khẩu của nước ta sẽ ra sao? – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan lo lắng.
Lĩnh vực dịch vụ được đánh giá có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng đạt 7,5%/năm (so với mức 7,4% trước đó). Tuy nhiên, khu vực này vẫn chưa đạt mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch là 7,7-8,2%. Trong giai đoạn 2007-2013, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của các ngành chủ chốt như: Thương mại, khách sạn - nhà hàng; tài chính - tín dụng; GDĐT; vận tải - bưu điện - du lịch vẫn được duy trì mức khá, nhưng mức tăng không ổn định. Điều đáng ngại nhất là 2 ngành quan trọng tạo tiền đề cho việc nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là chuyên môn khoa học - công nghệ và hoạt động hành chính - dịch vụ hỗ trợ lại có mức tăng trưởng thấp nhất trong khu vực dịch vụ.
Thêm vào đó là những yếu kém và hạn chế trong nội tại nền kinh tế bộc lộ rõ nét. Cụ thể là các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cao từ giữa năm 1999 đến trước khi gia nhập WTO dựa vào mở rộng đầu tư hiệu quả không cao, ở mức độ nhất định đã tạo sức ép lên ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn sau đó. Mặt khác, những diễn biến không thuận lợi của tình hình kinh tế thế giới đã không được lường hết trong kế hoạch 5 năm 2006-2010.
Năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia AEC, rồi TPP, lúc đó hội nhập sẽ không chỉ là việc cắt giảm thuế, tự do hóa thương mại, tăng đầu tư mà đòi hỏi phải mở cửa cả về thể chế, tiêu chuẩn, môi trường lao động... Đã đến lúc chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn lại mình, rút kinh nghiệm từ những bài học xương máu để có chiến lược phát triển lâu dài và bền vững.