Bỏ qua tập quán của đồng bào
Theo ông Kha Văn Quý - người dân tộc Thái ở bản Noòng, nguyên nhân của việc người dân ở đây chưa được sử dụng nguồn điện lưới là do Ban quản lý Thủy điện 2 (chủ đầu tư) và các đơn vị tư vấn, thi công khu tái định cư không tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào Thái. Từ bao đời nay, người Thái quen sống ở vùng ven chân đồi và dọc sông suối để gần nguồn nước, thuận tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất.
Vậy nhưng, Ban quản lý Thủy điện 2 đã cho thi công xây nhà ở cho 17 hộ dân thuộc bản Noòng, xã Kim Tiến (cũ) ở khu N trên đỉnh một quả đồi khá cao. Vì vậy, tất cả 17 hộ này đều quyết định không nhận nhà. Có 12 hộ được phân nhà ở khu N đã xuống làm lán trại ở tạm trên các thửa đất sản xuất của gia đình, các hộ còn lại tạm trú tại nhà bố mẹ, họ hàng...
Ông Kha Văn Quý chỉnh sửa thủy điện mini. |
Sau nhiều lần chạy khắp nơi kêu cứu, phải 4 năm sau (năm 2010), các hộ này mới được chủ đầu tư thỏa thuận hỗ trợ mỗi khẩu 10 triệu đồng làm nhà; mỗi hộ 3.400.000 đồng đào giếng, lắp đặt máy bơm và 1 triệu đồng tiền kéo dây điện. Do vào thời điểm đó đồng tiền trượt giá nhanh, giá các mặt hàng liên tục bị đẩy lên cao, nên các hộ này chỉ dựng được nhà ở, đào giếng và mua máy bơm lấy nước phục vụ sinh hoạt, chứ không thể kéo được đường điện về dùng.
Ở thời điểm hiện tại, nếu tính chi phí lắp đặt hệ thống đường điện từ trạm biến thế của bản Noòng về nơi ở của 12 hộ này (dài khoảng 800m), phải lên tới trên dưới 180 triệu đồng. Trong khi đó, khoảng 300m thuộc hệ thống đường dây truyền tải điện về khu N vẫn đang bị bỏ phí.
Vẫn dùng thủy điện mini
Chưa có điện lưới, hầu hết các gia đình đều phải “câu” điện từ các gia đình anh em họ hàng ở bản Nhạn Mai, cách đó khoảng 1km. Anh Lô Văn Thái - người dân bản Noòng cho biết: “Kéo điện từ bản Nhạn Mai về đây mất gần 1.000m dây, vừa tốn kém chi phí vừa thiếu an toàn, nhất là những ngày mưa gió, cây cối bị gãy đổ làm đứt dây điện, đe dọa tính mạng người dân và vật nuôi...”.
Trong khi đó, hộ ông Kha Văn Quý và gia đình bên cạnh đã chung nhau lắp đặt thủy điện mini để có nguồn điện thắp sáng, còn các tiện nghi như ti vi, quạt điện đành xếp xó. Ở đây khe suối có độ dốc thấp, lượng nước không nhiều, nên các gia đình phải ngăn đập, tạo thác để tua - bin có thể hoạt động. Vào mùa nắng nóng, lượng nước ít nên nguồn điện phập phù. Còn mùa mưa, nước dâng cao cuốn trôi cả đập lẫn tua- bin nên phải tháo dỡ máy đưa vào nhà cất.
Ông Quý chia sẻ: “Tính từ khi về đây ở, tôi đã bị cuốn trôi mất 4 cái tua-bin, thiệt hại gần 10 triệu đồng. Không thể ngờ được rằng đã chuyển về đây tái định cư hơn 6 năm mà vẫn phải sử dụng nguồn điện từ thủy điện mini như hồi còn ở quê cũ”.
Về vấn đề này, ông Lô Hoài Dung - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm cho biết: “Năm 2010, tất cả 17 hộ đã nhận tiền hỗ trợ từ Ban quản lý Thủy điện 2 và cam kết tự xây dựng nhà, tự đào giếng và tự thuê lắp đặt đường điện. Nhưng họ đã không đầu tư bắt điện ngay lúc đó mà đến cuối năm 2011 mới thực hiện, do trượt giá nên số tiền được hỗ trợ không thể đủ để xây dựng hệ thống đường điện”.
Công Kiên