Tuổi thơ của chị Thúy là những chuỗi ngày nhiều nước mắt. Ngay từ khi lọt lòng mẹ, tay phải của chị đã bị cụt đến tận khuỷu. Nhà đông con, chạy ăn từng bữa, nên từ khi lên 7 tuổi, ngoài thời gian đến lớp, chị đã phải cùng anh chị em trong nhà tảo tần kiếm sống bằng nhiều thứ nghề.
Ngày đó, làng nón Phủ Cam- nơi gia đình chị sinh sống- nghề chằm nón khá phát triển. Mẹ chị- bà Nguyễn Thị Mến- thường chằm nón thuê cho các chủ hàng để kiếm thêm thu nhập. Thương mẹ vất vả, chị phụ giúp mẹ những công việc lặt vặt trong chằm nón rồi quyết định học nghề. Với cánh tay phải bị cụt, việc học nghề của chị hết sức gian khổ. Một tuần, hai tuần rồi một tháng, chiếc nón do chị chằm vẫn chưa thành hình hài, trong khi cánh tay phải bị cụt và bàn tay trái của chị liên tục bị kim đâm tứa máu.
Sau khoảng 2 tháng chong đèn khổ học, cuối cùng chiếc nón đầu tiên do chị chằm cũng ra đời, được nhận xét là “đẹp miễn chê”.
Chị Thúy đang tiếp chuyện tôi thì một đoàn khách du lịch hơn 20 người đến từ Úc và Đan Mạch ghé nhà chị. Chị niềm nở rót nước mời khách rồi vừa trò chuyện vừa chằm nón. Những đường kim thoăn thoắt của chị khiến những vị khách ngoại quốc kinh ngạc. Bà Tracey Lister (du khách người Úc) không giấu được xúc động: “Tôi không chỉ thấy ở Thúy nghị lực, niềm tin vào cuộc sống mà còn thấy được sự tài hoa của cô ấy.” Ra về, đoàn du khách đã mua gần 20 chiếc nón để làm quà kỷ niệm mang về nước. Vị khách nào cũng đề nghị chị ký tặng bằng cách thêu chữ “Thúy” lên chiếc nón mà họ mua.
Chuyện khách du lịch quốc tế đến nhà chị Thúy để xem chị làm nón và mua những chiếc “nón Thúy” diễn ra từ 12 năm nay. Hiện mỗi tháng chị tiếp đón không dưới 50 đoàn khách quốc tế đến từ khắp các châu lục, nhất là châu Âu, châu Á và châu Úc. Mỗi chiếc nón chị chỉ bán với giá 50.000 đồng, nhưng nhờ có người mua thường xuyên nên thu nhập rất ổn định.
Chị bày tỏ: “Tui sẽ làm hết sức để gìn giữ và quảng bá nghề nón Huế cũng như nghề nón Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, qua đó giới thiệu hình ảnh văn hóa và con người Việt ra thế giới”- chị Thúy chia sẻ.