Đó là câu nói của chị Là Thị Hồng, dân bản Cheng Lông Mai, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu (Sơn La) khi kể về đời sống của những người tái định cư thủy điện Sơn La ở đây.
Bản có 31 hộ dân, khi chuyển đến thì non nửa số hộ thuộc diện khó khăn. Chị nói, đến quê mới chúng tôi lo lắm, lấy gì để ăn hàng ngày? Lấy gì để lo cho con cái và cuộc sống mai sau?... Nhưng chỉ sau vài năm ổn định cuộc sống, chúng tôi hiểu rằng Nhà nước không bỏ rơi dân mà chăm lo rất chu đáo. Nhờ thế mà chúng tôi sớm có đủ: Điện, đường, trường học, nhà văn hóa, đất sản xuất…
“Gần chục năm tái định cư, cán bộ bám dân tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích và hỗ trợ, tập huấn khuyến nông. Nhờ thế chúng tôi tự tin hơn và học được nhiều cách làm ăn hay. Thu nhập của chúng tôi dần ổn định và đi lên rất nhanh. Bây giờ, bản không còn hộ nghèo nữa. Với những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như người cô đơn, già yếu bệnh tật, phụ nữ đơn thân có con nhỏ thì chúng tôi bình xét đưa vào diện “hộ có thu nhập thấp” để cùng nhau giúp đỡ, hỗ trợ họ tiếp tục vươn lên. Nhiều bản khác ở Thuận Châu này cũng đã thoát nghèo 100% trong năm 2014 đấy” – chị Hồng nói.
Đến với những hộ dân TĐC khác ở các huyện Thuận Châu, Sông Mã, Quỳnh Nhai, chúng tôi tiếp tục nhận những thông tin vui về sự thay đổi đi lên trong đời sống của nông dân. Ngay dưới chân cầu Pá Uôn của huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), chúng tôi đã gặp ông Lường Văn Ngoa - một chủ trang trại nuôi cá lồng bè trên sông Đà sau ngày thủy điện Sơn La tích nước.
Ông Ngoa nhớ lại: Những ngày đầu di dân TĐC thủy điện Sơn La, không chỉ dân lo mà cán bộ các cấp cũng lo rối ruột. Vì thế cán bộ ở huyện, ở tỉnh luôn bám sát từng hộ dân, từng chủ hộ, không chỉ tuyên truyền, vận động mà còn xắn tay vào làm như nông dân thật. Bây giờ dân đỡ hơn nhiều rồi, nhìn ai cũng phấn khởi.
Cũng theo ông Ngoa, trong TĐC, hộ nằm ở diện sản xuất đất ruộng, nương rẫy thì vẫn đỡ lo hơn hộ phải chấp nhận thay đổi môi trường sản xuất như: TĐC đô thị hoặc ở lại bám vùng sông nước lòng hồ, trở thành dân “lưỡng cư”. “Khi ấy môi trường sống và sản xuất thay đổi hoàn toàn, lo lắm chứ. Những ngày đầu thủy điện tích nước, bỗng dưng mất đường đi. Nhà 2 anh em đang ở 2 chân núi, bình thường đi bộ sang nhà nhau nói chuyện chỉ mất vài phút. Khi nước lên, chỉ đứng nhìn nhau, hú gọi. Vốn liếng chưa có, phải làm thuyền nứa trát xi măng ra ngoài để lấy cái đi lại, đánh cá kiếm ăn, vớt củi… Nhưng từ năm ngoái đến nay, đời sống người dân đi lên nhanh lắm. Tôi là dân, nên cứ nhìn mặt nhau, nhìn bà con chuẩn bị cái tết này là biết dân TĐC hết nghèo thật rồi. Như nhà tôi, mỗi năm cũng thu được mấy trăm triệu đồng từ nuôi cá lồng bè đấy”.
Nỗ lực để an dân
Trao đổi chúng tôi, bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp phụ trách công tác di dân TĐC thủy điện Sơn La, cho biết: Dưới sự chỉ đạo sát sao của Thường vụ Tỉnh ủy mà trực tiếp là Bí thư Tỉnh ủy Trương Quang Nghĩa, sự vào cuộc của các cấp, các ngành với công tác TĐC nhịp nhàng hơn, sâu sắc hơn và hiệu quả hơn. Trực tiếp đồng chí Bí thư đã đi kiểm tra nhiều lần những vùng TĐC và chỉ đạo trực tiếp những giải pháp để giúp chúng toi tháo gỡ khó khăn. Sự sát sao của Tỉnh ủy đã giúp chúng tôi tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để có những nguồn vốn, những chính sách hợp lý cho TĐC. Nhờ vậy, kết thúc năm 2014, chúng tôi là tỉnh có lượng di dân TĐC Thủy điện Sơn La lớn nhất trong các tỉnh liên quan tới thủy điện Sơn L, nhưng cũng là tỉnh hoàn thành xuất sắc nhất nhiệm vụ này.
Tại bản Quyết Tâm, xã Nà Nghịu (huyện Sông Mã), anh Lường Văn Tiến, một người dân bản cho biết: So với mấy năm đầu chuyển về đây thì đời sống tinh thần và vật chất của chúng tôi đã tăng lê nhiều lần. Hộ đói nghèo trong bản không còn. Hộ khá, giàu cũng nhều hơn nhờ biết cách trồng trọt, chăn nuôi tốt hơn. Đặc biệt, trong năm vừa qua, Nhà nước đã thanh toán cho chúng tôi 100% các khoản tiền hỗ trợ, đền bù gắn với hướng dẫn sử dụng vốn hợp lý và tập huấn khuyến nông nên nhà ai cũng có vốn và có những đầu tư mới. Hộ thì mua thêm trâu, bò, lợn; hộ mua thêm mấy chục con dê sinh sản hoặc mua thêm đất nương, vườn, làm trang trại… Sổ đỏ thì nhà ai cũng đã được cấp, tiền vốn nhà nào cũng để ra một khoản từ mấy chục triệu đồng trở lên để làm quỹ dự phòng. Làm nông dân mà có khoản tiền lớn gửi tiết kiệm là điều mà trước đây chúng tôi chưa dám nghĩ đến.
Trong buổi làm việc với Trưởng Ban quản lý Dự án Di dân TĐC thủy điện Sơn La, ông Nguyễn Minh Tiến tâm sự: Năm 2014, chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chỉ trong 1 năm mà chúng tôi hoàn thành việc thu hồi gần 48.700ha đất, giao thêm hơn 6.300ha đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hơn 9.000 hộ dân; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo qui hoạch, kế hoạch đảm bảo tiến độ và chất lượng. Chúng tôi làm ngày làm đêm, không biết mệt mỏi. Chỉ đến khi nhìn lại báo cáo đánh giá công việc đã hoàn thành mới thấy giật mình bởi số lượng công việc đồ sộ mà mình đã vượt qua. Nhưng niềm vui lớn nhất là hơn chục ngàn hộ dân TĐC của chúng tôi sau một thập kỷ thực hiện nhiệm vụ, nay đã an lòng trên quê mới với một đời sống cải thiện hơ trước rất nhiều.