Làng Kiều, cũng như bao làng quê nông thôn Kinh Bắc, có chùa, có cầu, có những bà cụ nhai trầu bỏm bẻm và có trẻ dắt trâu về khi chiều xuống…
Khu nhà của ông Tạ Quốc Ái nằm giữa cái không gian yên ả ấy. Ông vốn chẳng có gốc gác gì ở đây. Là một doanh nhân sống ở Hà Nội nhưng lại có tâm hồn mang hơi hướng một nghệ sĩ, ông ấp ủ và tìm kiếm cho mình một chốn đi về chốn thôn dã, để đôi khi được mộng du, để được bâng khuâng, được thoát khỏi những hối hả đời thường. Ý tưởng tìm cho mình một không gian tĩnh lặng ấy được nhen nhóm từ năm 2002.
Trên vuông đất có thế dựa lưng vào đồi giữa làng Kiều, ông Ái bắt đầu dựng nên cõi “thiền” của mình với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa gỗ, gạch và gốm. Đến năm 2004 thì công trình hoàn thành. Linh hồn của nó là một căn nhà gỗ xoan đào cổ 200 năm tuổi, kết cấu 3 gian, 2 chái được mua từ Lạng Giang về, đặt chồng lên tầng một được xây từ đá hộc và gạch nung để mộc. Với sự giúp đỡ của người bạn, hoạ sĩ Bùi Hoài Mai, những gác ngang, lầu gió được hình thành tạo điểm nhấn cho toàn bộ kiến trúc của khu nhà.
Nội thất được kết hợp giữa hiện đại để phục vụ cho sinh hoạt nhưng pha trộn dáng dấp cổ truyền. Sự hiện hữu của những đồ vật như sập gụ, chạn cổ, đôi tràng kỷ phơi vân gỗ bàng bạc, hằn lên dấu ấn thời gian đã giữ lại đôi chút trầm mặc cho gia chủ. Nhà ấy, không gian ấy đã xoa dịu tâm hồn ông Ái trong suốt 10 năm. Mới đây thôi, ông quyết định nhượng lại ngôi nhà cho một người bạn rồi chuyển đi xa. Nhưng có lẽ những vách tường, cột gỗ mộc mạc, mái rêu phong ấy mãi là chốn đi về trong tâm tưởng cho một kẻ lãng du như ông Ái.