Ngày 12/2, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã nhất trí thông qua một nghị quyết nhằm bóp nghẹt dòng tiền khổng lồ mà phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) kiếm được bằng các hoạt động buôn lậu dầu, đồ cổ và đòi tiền chuộc.
Nghị quyết này được hơn 35 quốc gia đồng bảo trợ, thể hiện quyết tâm của cộng đồng quốc tế nhằm đối phó với mối đe dọa từ tổ chức khủng bố giàu nhất thế giới hiện đang kiểm soát một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria với nhiều mỏ dầu lớn.
Nghị quyết của Liên Hợp Quốc kêu gọi áp đặt lệnh cấm vận đối với những cá nhân và tổ chức mua dầu của IS và các nhóm phiến quân al Qaeda như Mặt trận Al Nusra ở Syria.
Liên Hợp Quốc cũng hối thúc toàn bộ 193 quốc gia thành viên “có những bước đi thích hợp” để ngăn chặn tình trạng chảy máu cổ vật và các vật phẩm văn hóa từ Iraq và Syria.
Theo nghị quyết mới được thông qua này, các nước cần phải “ngăn những kẻ khủng bố kiếm lời trực tiếp hoặc gián tiếp từ những khoản tiền chuộc hoặc thỏa hiệp chính trị” trong các cuộc đàm phán con tin với IS.
Điều khoản này được cho là nhắm thẳng vào các chính phủ châu Âu, những nước đang xem xét bãi bỏ lệnh cấm trả tiền chuộc để giải cứu cho các công dân của mình bị phiến quân IS bắt giữ.
Nghị quyết này được xây dựng theo chương 7 của hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng nghĩa với việc nó có thể được thực hiện bằng các lệnh cấm vận hoặc vũ lực, mặc dù câu chữ trong nghị quyết không đề cập đến các biện pháp quân sự.
Nga là nước khởi xướng soạn thảo nghị quyết này với các điều khoản chủ yếu tập trung vào ngăn chặn nạn buôn lậu dầu của IS, nhưng sau đó phạm vi của nghị quyết đã được mở rộng trong các cuộc thảo luận để nhằm cắt đứt tất cả nguồn tài chính mà IS có được.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power cho rằng nghị quyết này sẽ giúp các chính phủ trên khắp thế giới có “định hướng thực tiễn và rõ ràng” trong việc ngăn chặn nạn buôn lậu dầu của IS.
Liên Hợp Quốc khuyến khích các nước tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn các tàu chở dầu và phương tiện khác chở dầu buôn lậu của IS, đồng thời báo cáo với ủy ban cấm vận của Liên Hợp Quốc về bất cứ cuộc bắt giữ tàu chở dầu lậu nào.
Nghị quyết này được cho là đang gây thêm sức ép với Thổ Nhĩ Kỳ, nước được coi là điểm trung chuyển dầu lậu của IS. Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, phiến quân IS và các tổ chức khủng bố khác ở Trung Đông đang kiếm được từ 850.000 tới 1,65 triệu USD một ngày từ hoạt động bán dầu lậu với giá rẻ cho các nước khác.
Ngoài bán dầu lậu, IS cũng đang kiếm được một khoản tiền đáng kể từ hoạt động bán các cổ vật mà chúng cướp được từ thành phố lịch sử Mosul, đặc biệt là từ Đại học Mosul.
Iraq đã từng cảnh báo rằng phiến quân IS đang cướp phá các cổ vật và tác phẩm nghệ thuật vô giá từ các viện bảo tàng, kho lưu trữ, ngân hàng ở Mosul và bán ra nước ngoài. Chúng thậm chí còn phá dỡ những bức tường của các tòa nhà cổ để bán lấy tiền.
Nghị quyết trên của Liên Hợp Quốc nhiều khả năng sẽ chặt đứt mối liên kết giữa IS với các đường dây tội phạm có tổ chức hoạt động ở Đông Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, đồng thời bóp chặt dòng ngoại tệ của IS.