Dân Việt

Hoàng Sa trên bản đồ cổ phương Tây

02/09/2012 06:22 GMT+7
(Dân Việt) - Từ đầu năm 2010, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng đã triển khai nghiên cứu đề tài Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa - TP.Đà Nẵng.

Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ lịch sử Trần Đức Anh Sơn (Phó Viện trưởng). Đề tài đã được nghiệm thu vào tháng 12.2011 và chuyển giao cho UBND huyện Hoàng Sa quản lý. Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thiết lập một “Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa”, bao gồm những tư liệu đã được công bố từ trước đến nay và những tư liệu vừa được nhóm tìm kiếm, sưu tầm.

img
Bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613.

Đáng chú ý, TS Trần Đức Anh Sơn trong một bài viết của mình đã cho biết, nhóm nghiên cứu sưu tầm được nhiều bản đồ do người phương Tây vẽ và xuất bản trong các thế kỷ XVI - XIX, có liên quan đến nội dung khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đó là những tấm bản đồ địa lý và bản đồ hàng hải do người phương Tây vẽ trong quá trình phát kiến hàng hải, giao thương, truyền giáo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ghi nhận về lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam trong lịch sử.

TS Sơn cho biết, trên những tấm bản đồ này, quần đảo Hoàng Sa luôn được thể hiện bằng hình vẽ ở trong vùng Biển Đông của nước ta, với kinh tuyến và vĩ tuyến khá chính xác, và được ghi danh là: Paracel Islands, Paracel, Paracels, Pracel, Parcels, Paracelso... (tùy theo ngôn ngữ của từng nước phương Tây). Còn vùng bờ biển Quảng Nam - Quảng Ngãi, song song với quần đảo Hoàng Sa thì được ghi nhận là Costa da Paracel (bờ biển Hoàng Sa).

Theo nhà sử học Nguyễn Đình Đầu, “đó là cách mặc nhiên thế giới nhận Hoàng Sa đích thực thuộc chủ quyền của Việt Nam ít nhất từ 5 thế kỷ nay”.

Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu đã sưu tập được 30 bản đồ cổ của phương Tây, có niên đại từ năm 1489 đến năm 1697, có thể hiện hình vẽ và địa danh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.Cụ thể, từ tấm bản đồ thứ 4 từ năm 1507 đều có ghi vẽ đất nước ta với Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa.

TS Trần Đức Anh Sơn cũng cho hay, ở một số bản đồ trong 56 tấm bản đồ cổ phương Tây mà nhóm nghiên cứu sưu tầm được, địa danh Hoàng Sa còn được thể hiện hoặc ghi chú rất đặc biệt. Như bản đồ do Jodocus Hondius vẽ năm 1613, thể hiện quần đảo Pracel (Hoàng Sa), bao gồm tất cả các đảo của Việt Nam từ nam vịnh Bắc Bộ cho đến hết vùng biển phía nam của Việt Nam, trừ Pulo Condor (Côn Đảo) và Pulo Cici (đảo Phú Quốc) được vẽ riêng.

Bản đồ do W. Blaeu vẽ năm 1645 thì quần đảo Pracel (Hoàng Sa) được vẽ nối liền với các đảo: Pulo Secca de Mare (Cù Lao Thu, tức đảo Phú Quý), Pulo Cambir (Cù Lao Xanh), Pullo Canton (Cù Lao Ré, tức đảo Lý Sơn), thành một chuỗi đảo liên hoàn thuộc lãnh thổ Cochinchina (Đàng Trong)...