Trong câu chuyện với tôi, ông kể nhiều về 7 quả đại hồng chung mà ông đã đúc cho các thánh tích Phật giáo ở Ấn Độ. Đầu tiên, một ngôi chùa lớn ở thành phố Bodh Gaya của Ấn Độ đặt ông đúc đại hồng chung nặng hơn 2 tấn, trên chuông khắc bài kinh Bát Nhã bằng các thứ tiếng Anh, Phạn, Việt. “Vì biết đây là nơi luôn được sự quan tâm với lòng thành kính đặc biệt của phật tử và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới nên khi được đặt đúc chuông lúc đầu tui hơi bối rối. Nhưng rồi tui nghĩ đây là cơ hội để mình thể hiện tài trí của người Việt trên quê hương Đức Phật nên quyết định nhận lời”- ông kể.
Sau một thời gian cùng những người thợ dồn hết tâm huyết vào công việc, cuối cùng quả đại hồng chung mang phong cách văn hóa Phật giáo Huế xen lẫn với hoa văn của Ấn Độ hoàn thành và được đưa sang xứ Bồ Đề đạo tràng. Ngày ra mắt, đại hồng chung được mọi người trầm trồ khen ngợi là một tuyệt tác tâm linh không quả chuông nào sánh được. Quả chuông này ngân vang nơi đất Phật giác ngộ đồng nghĩa với việc tên tuổi của ông Sính cũng lan nhanh ở xứ sở này. Vì vậy, sau đó, 6 chùa lớn khác ở đây cũng liên hệ đặt ông đúc đại hồng chung.
Cơ duyên để ông Sính nhận đúc đại hồng chung cho các chùa ở Ấn Độ rất thú vị. Cách đây hơn 10 năm, sư trụ trì một ngôi chùa lớn ở xứ Bồ Đề đạo tràng trong một lần đến Việt Nam đã ghé thăm chùa Niết Bàn tịnh xá ở TP.Vũng Tàu. Tại đây, khi được trực tiếp nghe âm thanh như nhạc thiền biến ảo của đại hồng chung nặng 3 tấn do ông Sính đúc, vị sư trụ trì này “mê như điếu đổ”. Vị sư này đã thốt lên với những người đi cùng: “Đây mới thực sự là một tuyệt tác tâm linh, là “tiếng chuông Phật” đúng nghĩa”. Ngay sau đó vị sư này lặn lội tìm gặp ông Sính để đặt đúc đại hồng chung nặng hơn 2 tấn đưa về xứ Bồ Đề đạo tràng. Mê mẩn trước thiền âm u vọng của quả chuông này nên sau đó nhiều chùa lớn tại các thánh tích Phật giáo khác ở Ấn Độ liên tiếp đặt ông Sính đúc chuông.
Theo ông Sính, việc ông nhận đúc chuông cho các chùa ở Ấn Độ cũng như hàng chục nước khác trên thế giới hoàn toàn không phải vì tiền và cũng không vì tên tuổi của bản thân. Lý do đầu tiên khiến ông nhận lời là vì ông coi đây là niềm vinh dự của nghề đúc đồng trong nước, là cơ hội quảng bá sản phẩm quốc gia cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam ra thế giới. Nếu không làm được điều đó thì ông thấy mình rất có lỗi với tổ tiên, với các thế hệ nghệ nhân đúc đồng nước Việt đi trước.