Dân Việt

Hương húng Láng thơm lừng ở Yangon

Không hiểu từ bao giờ, người dân Yangon, thủ đô cũ của Myanmar lại mê mẩn loại rau húng thơm đến thế. Mà thật lạ, dù không biết tường tận xuất xứ của loại rau thảo dược này, nhưng thực đơn trong những bữa tiệc sum vầy của người Myanmar tại những nhà hàng Việt lại không thể thiếu món ăn kèm rau húng Láng thơm thơm, bùi bùi, nồng nàn nơi cánh mũi.

img
Những cọng rau húng dân dã của Hà Nội đã có mặt ở Yangon nhiều năm nay.  Đàm Duy

Nhớ lại cách đây 5 năm, hồi tôi còn làm việc trong Đại sứ quán Việt Nam ở Yangon, mỗi lần có bạn bè từ nơi xa đến thăm, muốn đãi bạn một bữa tiệc với những món ăn thuần Việt cho vơi đi nỗi nhớ quê nhà là phải mày mò tìm kiếm những địa chỉ nhà hàng người Việt. Hồi đó nhà hàng Việt ở đây còn ít ỏi và chưa thực sự nổi bật từ các món ăn đến cung cách phục vụ, vì thế chưa thu hút được thực khách địa phương.

Bẵng một thời gian, nay có dịp trở lại, ngạc nhiên thay, ăn món Việt Nam đã trở thành một trào lưu mới của người dân Yangon chẳng khác gì trào lưu ăn món Hàn, món Nhật đang nở rộ ở Việt Nam. Tôi gặp lại người bạn cũ, anh đang công tác ở Bộ Ngoại giao Myanmar, ngỏ ý mời anh một bữa tiệc thân mật.

Cũng thật bất ngờ, anh bạn chọn luôn địa điểm là một nhà hàng Việt Nam mà theo lời anh, đó sẽ là sự lựa chọn thú vị. Dạo qua một vòng thủ đô Yangon, ở thời điểm này có đến gần chục nhà hàng lớn, nhỏ của người Việt. Nơi đây là những không gian văn hóa ẩm thực Việt được thu nhỏ nhưng vô cùng phong phú và độc đáo. Chúng tôi chọn “Vietnam Kitchen” một nhà hàng Việt rất đặc trưng với những lùm cây tre quen thuộc nằm ngay sau Chatrium Hotel trên đường Sein Road.

Quan điểm

Chủ nhà hàng Vietnam Kitchen
 Thực khách Myanmar đặc biệt yêu thích những món ăn được chế biến từ rau húng thơm, hoặc ăn kèm rau húng thơm. Thực khách Yangon cũng rất tinh tế sau khi thử rất nhiều loại húng thơm từ nhiều vùng, nhưng cứ phải là loại rau húng Láng của bà con nông dân Hà Nội trồng là thực khách cảm thấy hài lòng nhất . 
Những món chính của Vietnam Kitchen là những món ăn đặc trưng của miền Bắc và miền Nam. Theo lời chủ nhà hàng, nguyên liệu chế biến món ăn đều tươi, tránh tuyệt đối việc sử dụng thịt và hải sản đông lạnh. Thực khách đến quán thường yêu thích những món cổ truyền của người Việt như chả giò, phở bò, hay những món ăn Việt được sáng tạo như thịt bò nướng bọc trong lá cây nho, tôm sú hấp dừa… Có lẽ, Vietnam Kitchen sẽ không có gì khác biệt so với những nhà hàng Việt khác, nếu họ không biết khai thác lợi thế của của những loại rau thơm đặc trưng của người Việt. Chủ nhà hàng phải thường xuyên bay về Việt Nam để mang sang những loại rau thơm thảo dược không có sẵn ở Myanmar.

Anh bạn người Myanmar của tôi nhận xét, món ăn Việt Nam thường sử dụng các loại rau gia vị tươi kết hợp tinh tế của các loại hương vị, do đó việc sử dụng nguyên liệu tươi luôn làm cho món ăn Việt có một sự khác biệt lớn. Đặc biệt với món phở, nước dùng không sử dụng bột ngọt, được ninh nhừ xương trong vòng 12 giờ, sau đó được chan nóng với lớp rau mùi, húng quế, giá đỗ, tạo mùi thơm nức vô cùng hấp dẫn.

Chủ nhà hàng Vietnam Kitchen cho biết, thực khách Myanmar đặc biệt yêu thích những món ăn được chế biến từ rau húng thơm, hoặc ăn kèm rau húng thơm. Thực khách Yangon cũng rất tinh tế sau khi thử rất nhiều loại húng thơm từ nhiều vùng, nhưng cứ phải là loại rau húng Láng của bà con nông dân Hà Nội trồng là thực khách cảm thấy hài lòng nhất.

Hầu hết các loại rau thơm đều có tinh dầu và một số tố chất đặc biệt có thể trở thành những vị thuốc quý, dân dã. Việc kết hợp ăn rau thơm khác nhau tương ứng với từng món ăn khác nhau thuận theo nguyên lý “âm dương phối triển”, tương sinh, chế hóa lẫn nhau, góp phần làm giảm tác hại (nếu có) và gia tăng hương vị cho món ăn. Đó cũng là lý do khiến loại rau thơm độc đáo của nông dân Việt lại khiến thực khách Myanmar quyến luyến đến vậy.