Đến làng Tranh Khúc vào ngày giáp Tết nguyên đán, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay rõ nét của một làng ngoại thành Hà Nội: Những dãy nhà tầng mọc lên san sát, trên đường làng ô tô đi lại tấp nập như ở trung tâm phố.
Bà Nguyễn Thị Thiệp – Trưởng thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà cho biết: “Toàn thôn có hơn 280 hộ, song, có khoảng hơn 100 hộ theo nghề gói bánh chưng, trong đó, phần lớn các hộ đã có tiền xây được nhà tầng và có khoảng gần 20 hộ mua được ô tô xịn, có hộ mua đến 2 ô tô vừa để chở bánh cho khách vừa để gia đình đi chơi như hộ ông Nguyễn Duy Điệp, Nguyễn Văn Lạc…”.
Là một trong những cơ sở sản xuất bánh lớn nhất làng, gia đình ông Nguyễn Duy Điệp cũng đang tấp nập khách ra vào nhập bánh, không khí trong cơ sở lúc nào cũng rất khẩn trương. Ông Điệp cho biết, bắt đầu vào chớm đầu tháng 12 âm lịch, lượng bánh của gia đình ngày nào cũng phải đảm bảo khoảng từ 2.000 đến 3.000 bánh cho khách đặt hàng.
Ông Điệp cho biết thêm, từ năm 2012 đến nay, nhờ được nhà nước quan tâm, hỗ trợ hệ thống nồi hơi nên việc phát triển nghề khá thuận lợi. Trung bình mỗi năm gia đình ông gói khoảng hơn 100.000 cái, đủ loại giá tiền, song, chiếm chủ yếu vẫn là loại từ 30.000 đồng/chiếc. Mỗi năm hộ ông thu về khoảng trên 400 triệu đồng.
“Tết năm nay giá thực phẩm đầu vào có phần giảm nhẹ nên giá bánh cũng không tăng mà vẫn giữ ở mức như mọi năm, có chăng chỉ tăng về số lượng lên gấp đôi, gấp ba so với trước”, ông Điệp nhấn mạnh.
Lá dong được nhập về từ các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn…đến làng hàng chục tấn mỗi ngày…
Trong những năm gần đây, nguồn hỗ trợ vốn mua hệ thống nồi hơi phục vụ việc nấu bánh đã thúc đẩy việc phát triển, tăng sản lượng bánh gấp nhiều lần so với trước.