Với khát vọng thoát nghèo và làm giàu, chàng sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh Ngô Kim Lai (SN 1991) lao vào nghiên cứu trồng đông trùng hạ thảo ở Việt Nam và đã thành công.
Ngô Kim Lai trong phòng thí nghiệm nuôi trồng đông trùng hạ thảo ở công ty.
Đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý hiếm trên thế giới, có công dụng hỗ trợ chữa nhiều bệnh hiểm nghèo như ung thư, hiếm muộn, yếu sinh lý, tiểu đường… nên có giá tới cả tỷ đồng/kg. Trải qua 3 năm miệt mài nghiên cứu, tiến hành thí nghiệm lên tới trăm nghìn lần, cuối cùng Ngô Kim Lai đã chinh phục thành công đông trùng hạ thảo.
9x là...trưởng thôn năng động
Nhìn những thanh niên trẻ măng sinh năm 1991-1993, khó ai có thể tin họ đang là những người “đứng mũi chịu sào” lo lắng công việc của thôn làng và nhận được tín nhiệm cao của người dân trong thôn.
Trưởng thôn 9X Đỗ Tấn Công bên đàn bò của mình.
Giữ cương vị trưởng thôn khi mới ngoài hai mươi tuổi, Đỗ Tấn Công (sinh năm 1991, thôn Vĩnh Quý, xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) đã tạo được lòng tin yêu của người dân trong thôn bằng nhiều việc làm thiết thực để phát triển kinh tế gia đình và địa phương.
Dám nghĩ dám làm, Công được bà con trong thôn tín nhiệm đề cử làm trưởng thôn. Cuộc bầu trưởng thôn vào tháng 6.2013, Công giành số phiếu cao và danh hiệu “Trưởng thôn 9X” đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân thôn Vĩnh Quý.
Từ một thôn với 273 nhân khẩu mà người dân chủ yếu trồng trọt, Công đã vận động bà con phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại, phát triển kinh tế gia đình. Thôn Vĩnh Quý hiện đã dần thay da đổi thịt với những gia trại trù phú, đầm ấm...
Bỏ bằng đại học về quê mở trang trại kiếm tiền tỷ
Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) đã liều lĩnh bỏ công việc thu nhập chục triệu đồng sau khi tốt nghiệp đại học để về quê Thái Bình mở trang trại chăn nuôi lợn rừng Thái Lan. Tốt nghiệp ngành Quản trị Kinh doanh, ĐH Ngoại ngữ Tin học TP.HCM, Đỗ Mạnh Hùng (SN 1991) đang là chủ trang trại Nam Sơn với mô hình độc nhất ở xã Thụy Sơn, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Chàng trai là gương làm giàu điển hình khiến nhiều người mơ ước.
Chàng thanh niên Đỗ Mạnh Hùng với nỗ lực làm giàu đáng khâm phục.
Hùng là người đầu tiên xây dựng mô hình nuôi lợn rừng Thái lớn nhất tỉnh. Hiện nay, chàng trai này sở hữu 54 con lợn giống và nhân giống thành công khoảng 300 – 400 lợn con mỗi lứa. Với trang trại hơn 3 héc ta, ngoài nuôi lợn rừng, chàng trai 9X này còn mở rộng mô hình trồng cây ăn quả và đầu tư 800 m2 thả cá. Với mô hình độc đáo này, Hùng còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động trong vùng với thu nhập 2,5 triệu/tháng.
Mô hình lợn rừng Thái của chàng trai trẻ này đã được nhân rộng trong vùng, thậm chí nhiều người ở các tỉnh khác như Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam… tìm đến học hỏi kinh nghiệm, mua giống về chăn nuôi.
Từ con nghiện thành triệu phú ở núi cao
Anh nông dân triệu phú Đoàn Minh Phước đang dốc sức cho trang trại.
Bị “nàng tiên nâu” quyến rũ, nhưng anh Đoàn Minh Phước (SN 1979, ngụ xã Bình Trị, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã cai nghiện thành công, trở thành một nông dân triệu phú. Sau khi thoát khỏi ma túy, anh Phước quyết tâm làm lại cuộc đời. Tự tay anh phát quang làm đường lên núi, sau đó xin phép địa phương khai hoang một vùng đất đồi rộng hơn 20ha để trồng rừng để bày tỏ lòng biết ơn với cái nơi giúp anh thoát khỏi cơn u mê của ma túy.
Năm 2003, anh Phước theo bố lên núi Chóp Chài khai hoang, phát triển kinh tế gia đình và cai nghiện. Đồi núi hoang vu, chỉ có 2 cha con anh Phước. Gần năm trời ròng rã, trang trại Hố Sâu đã trở thành nơi anh vứt bỏ dần 2 từ "con nghiện".
Gần 3 năm lặng lẽ cái cuốc, cái cày… công trình trang trại Hố Sâu của anh mới hoàn thành với hơn 5.000 cây quế, keo lá tràm và nhiều loại cây ăn quả khác. Ngoài ra, anh còn đào ao nuôi cá, nuôi gà vịt và gần 50 con trâu, bò. Trang trại Hố Sâu giờ đây có 5 lao động, mỗi lao động được trả công 150 ngàn đồng/ngày, bao ăn uống. Tính thu chi từ nhiều nguồn thu khác nhau của trang trại, doanh thu mỗi năm của anh gần 500 triệu đồng.
Trồng chuối xây nhà lầu, tậu xe hơi
Sinh năm 1979 ở thôn Ninh Tập, xã Đại Tập, trong nghề trồng chuối đất Khoái Châu, Phạm Năng Thành là người đi sau nhưng bước nhanh. Học hỏi được kinh nghiệm trồng chuối từ những bậc đàn anh đi trước, Thành quyết định thay cây cam, bưởi mà vườn nhà đang trồng bằng cây chuối tiêu hồng.
Phạm Năng Thành dùng túi nylon bao bọc buồng chuối khi còn non để quả chuối sau này sáng vỏ, mã đẹp.
Năm 2004, anh trồng thử 10 sào. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên có bao nhiêu đất ruộng, đất vườn Thành đều cho trồng chuối. Đất nhà hết, Thành đi thuê, mua lại ruộng vườn của nhiều hộ khác trong xã để trồng chuối. Năm 2011, Thành đã có hơn 10ha đất trồng chuối với doanh thu hơn 3 tỷ đồng. Năm 2014, diện tích trồng chuối của vợ chồng anh đã lên tới xấp xỉ 20ha với doanh thu ước đạt hơn 7 tỷ đồng.
Trang trại trồng chuối và công việc kinh doanh chuối của anh Phạm Năng Thành đang tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng. Thành cũng là một trong những nông dân giỏi tích cực giúp đỡ, hỗ trợ các hộ khác trong và ngoài xã cùng phát triển nghề trồng chuối.
Lính biển lên rừng mở trang trại, thu gần nửa tỷ mỗi năm
Tại thung lũng Khe Lau, xã Quảng Phú (Quảng Trạch, Quảng Bình) đang hiện diện trang trại của gia đình nông dân Tưởng Văn Phán. Sinh năm 1955, sau hơn 5 năm công tác trong lực lượng Hải quân, cuối năm 1982 ông Phán phục viên về cùng vợ làm ruộng.
Ông Tưởng Văn Phán giới thiệu trang trại của mình.
Năm 1993, sau khi xem xét địa hình, ông quyết định chuyển gia đình lên khu vực Khe Lau - một vùng thung lũng, gò đồi cách khu vực dân cư gần 5km để lập trang trại. Sau 5 năm cần cù vượt khó, vợ chồng ông đã biến trên 7ha đất chân đồi thành rừng keo, bạch đàn, vườn cây ăn quả, ao cá, ruộng lúa, chuồng trại chăn nuôi. Về hiệu quả của trang trại, ông Phán cho biết, hiện nay sau khi khấu trừ chi phí, mỗi năm ông thu về gần nửa tỷ đồng.