Dân Việt

Cuộc chiến với TPP

Ngọc Minh (ghi) 22/02/2015 07:42 GMT+7
Nếu Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định đối tác kinh tế thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm 2015 thì bên cạnh những thuận lợi vẫn còn đó nhiều thách thức, là cuộc chiến không cân sức.

Nông dân Việt Nam có cơ hội lớn nhất khi Hiệp định TPP được ký kết là bán hàng sang 11 nước thành viên một cách tự do và không phải đóng thuế, từ đó tăng cường xuất khẩu. Nhưng ngược lại, các nước cũng đưa hàng hóa của họ vào Việt Nam với điều kiện tương tự như vậy. Thách thức hiện nay là liệu hàng của mình có cạnh tranh lại người ta? Câu trả lời là không vì xét về chất lượng hay giá cả, hàng của mình đều thua các nước. Ở mặt bằng xuất phát điểm như hiện nay thì chúng ta có thể thấy rõ viễn cảnh hàng nông sản của Việt Nam sẽ bị đánh gục ngay trên sân nhà.

img

  Trái cây nhiệt đới Việt Nam được thế giới ưa chuộng nhưng công nghệ bảo quản kém, không giữ tươi lâu được nên kém sức cạnh tranh. Ảnh: Sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre. Ảnh: Ngọc Minh

Chẳng hạn như mặt hàng đường hiện nay Việt Nam đang bán với giá 12.500 đồng/kg trong khi đường của Brazil, Mexico chỉ có giá 7.000 đồng/kg thì thử hỏi làm sao Việt Nam cạnh tranh lại?

Trái cây cũng gặp khó. Mặc dù có lợi thế là trái cây xứ nhiệt đới với nhiều chủng loại phong phú được thế giới ưa chuộng nhưng nông dân không có ai tổ chức để làm sao cho tốt. Dẫn đến tình trạng nông dân tự phát trồng lẻ tẻ, manh mún, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô tội vạ, chất lượng kém hiện nay.

Ngành chăn nuôi thì càng khó khăn hơn, là một cuộc chiến hoàn toàn không cân sức với 11 nước thành viên TPP. Chăn nuôi chỉ mới có thể ở mức tự cung trong nước, chưa xuất khẩu được. Ngay từ bây giờ, chưa vào TPP mà thịt bò của ta đã bị bò Úc lấn sân, thua ngay trên sân nhà thì còn “đánh đấm” gì ở xứ người được nữa?

Trước những yêu cầu của thời cuộc bắt buộc nông dân Việt Nam là phải tăng cường năng lực cạnh tranh, sản xuất như thế nào để giá thành hạ nhất nhưng chất lượng lại cao nhất. Với ngành lúa gạo vẫn cần phải đẩy nhanh việc thành lập các khu chế biến gạo nằm ở trung tâm của từng cánh đồng với đầy đủ các nhà máy sấy, xay xát, đánh bóng… một cách khoa học và chuyên nghiệp. Tương tự ở các ngành khác như thủy sản, trái cây cũng cần nhanh chóng quy hoạch lại. Trái cây cần quy hoạch lại thành các vùng trồng trọng điểm với từng loại trái cây đặc sản như vải thiều, nhãn, thanh long, bưởi da xanh, khóm (dứa), vú sữa… và hướng dẫn, hỗ trợ cho nông dân sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP với số lượng lớn, tập trung. Ở mỗi vùng đều phải có nhà máy chế biến, bảo quản chuyên nghiệp. Ngành này có thể làm nhanh nếu có sự quan tâm về chính sách của Nhà nước.

Thủy sản cũng vậy, cần quy hoạch, làm lại cấu trúc hạ tầng, hệ thống nước đưa vào phục vụ cho ngành một cách khoa học và chuyên nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cũng như hướng dẫn cho nông dân nuôi cá, tôm cách xử lý nước sạch đưa vào ao nuôi cũng như quy trình nuôi, phòng ngừa dịch bệnh theo tiêu chuẩn quốc tế.

GS Võ Tòng Xuân