Dân Việt

Đêm Thu vàng ngủ lại làng Nga

phan việt hùng 25/02/2015 08:00 GMT+7
Mới sang Nga công tác được đôi ngày, cuối tuần mấy người bạn học cũ giờ sống ở Moscow rủ tôi: “Đi chơi nông thôn Nga cho biết nhé”. Thật tuyệt, khi mùa Thu vàng, được về với làng quê Nga, mấy khi mà có cơ hội tuyệt vời như thế…

Khi được thông báo nơi đến là ngoại ô thành phố Vladimir, lòng đã bồi hồi nhớ lại thời sinh viên đã có dịp đến thăm thành phố nổi tiếng này. Vladimir là thủ phủ của tỉnh Vladimir, cách thủ đô Moscow khoảng 200 cây số, là 1 trong 8 thành phố thuộc “Vành đai vàng” kiến trúc cổ nổi tiếng của nước Nga…

Rực rỡ mùa Thu Nga

Sáng thứ bảy, dòng xe đổ ra ngoại ô chật cứng. Từ trung tâm Moscow, xe cứ nhích dần từng đoạn suốt mấy chục cây số. Khi rời khỏi ngoại ô, đường đã trở nên thông thoáng hơn. Đã cuối Thu, những rặng bạch dương, sồi, phong vàng rực lên như trong tranh phong cảnh của các danh họa Levitan, Shishkin…

Đang từ trục chính, đoàn xe bỗng quay ngoắt lại, rồi từ từ bò vào một con đường mòn. Rồi cứ thế, cả đoàn xe chạy theo con đường nhỏ len lỏi giữa những cánh rừng bạch dương vàng óng lên trong ánh nắng chiều. Bạch dương đã chuyển vàng hết lá, ấy là đã đến độ cuối Thu.

img
Mùa Thu của danh họa Yefim Volkov. IT

Ngôi làng Penkino cuối cùng cũng đã hiện ra, ven con sông Klyazma tĩnh lặng. Đây là một trong 5 ngôi làng của huyện Kamesky của tỉnh Vladimir, chỉ có khoảng 1.000 dân. Từ xa, cuối rặng bạch dương, đã thấy một người đàn ông Nga vậm vạp, tóc bạc trắng vẫy tay rối rít. Đó chính là vị chủ nhà, Aleksandr Mikhailovich Bushenkov. Ông ôm choàng lấy những người bạn Việt Nam, hồ hởi cười nói rồi mời “trung đội” khách vào nhà.

Ngôi nhà của Aleksandr Mikhailovich ở cuối làng, nhìn thẳng ra sông. Muốn xuống sông, phải qua một bãi cỏ rộng đầy hoa dại đang úa khô, rồi đến những lùm thanh lương trà chín đỏ, rồi qua những rặng thông xanh, lau lách um tùm..

Ngôi nhà 3 tầng của ông bà Mikhailovich “đặc Nga”, với cột, tường, sàn nhà, cầu thang, hàng rào bao quanh nhà hoàn toàn bằng gỗ, với những họa tiết trang trí thật cầu kỳ. Thật kỳ lạ khi biết đây chính là “tác phẩm” tự thiết kế, đục đẽo, cưa, bào... của chính ông chủ nhà, một cựu đại tá KGB. Ông đã dành ra 2 năm để tự tay hoàn thiện ngôi nhà của mình… Ngoài vườn, hoa dã yến thảo, thược dược, hồng…nở rộ bên cạnh những cây táo chín đỏ quả lúc lỉu. Lát sau, bà chủ Olga Leonidovna tất bật bày ngay lên bàn bao nhiêu món đặc trưng bếp Nga mà bà đã cặm cụi làm từ trưa. Ngoài sân, đã nghi ngút khói nướng thịt shashlyk từ than gỗ bạch dương. Mùi thịt nướng lan tỏa trong chiều thật quyến rũ.

Sau khi các vị khách đã yên vị trong phòng ăn ấm cúng, Aleksandr Mikhailovich tự tay rót rượu vodka cho từng người, rồi tuyên bố tost (tuần rượu) đầu tiên theo đúng phong tục Nga:

- Các bạn Việt Nam yêu quý, chào mừng các bạn đã đến với vùng quê Vladimir, quê hương của tôi. Ly rượu đầu tiên này, tôi đề nghị tất cả chúng ta cùng uống vì sức khỏe các bà mẹ của các bạn, những người mẹ Việt Nam đã sinh ra những người con tuyệt vời, có tình yêu với đất nước Nga…

img
Chụp ảnh với các người bạn Việt Nam trước nhà của Aleksandr Mikhailovich (tác giả ngoài cùng bên phải). (Ảnh: Việt Hùng)

Ly vodka thứ hai lại được rót đầy, lần này thì vị chủ nhà hiếu khách đề nghị uống vì những người bạn Việt Nam có mặt. Đó là mấy cặp vợ chồng đã sinh sống mấy chục năm ở nước Nga và những người bạn mới từ Việt Nam sang. Rồi mỗi người trong bàn theo thứ tự lại đứng lên, nói lý do để tất cả cùng cạn chén… Những câu chuyện tiếu lâm đã được kể, những bài thơ, bài hát tiếng Nga đã được vang lên trong một bầu vô cùng không khí ấm cúng…

Ngoài cửa sổ kính, chiều đã xuống. Bầu trời bên kia sông dần chuyển sang màu lam tím. Những rặng bạch dương đã vàng thẫm lại, thấp thoáng những cánh chim chiều về tổ.

Ngồi bên tôi, Aleksandr Mikhailovich thủ thỉ kể về những năm tháng trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Thì ra trước đây, ông phục vụ trong binh chủng lính dù, sau đó tốt nghiệp trường đào tạo của Ủy ban An ninh quốc gia Liên xô KGB và công tác ở Hungary 5 năm. Sau khi Liên Xô tan rã, ông tiếp tục phục vụ trong lực lượng FSB (Cơ quan An ninh Nga) cho đến khi về hưu năm 2003. Vốn có cảm tình với Việt Nam, Aleksandr Mikhailovich đã dành cho những người bạn Việt Nam những sự giúp đỡ nhiệt tình trong công việc làm ăn và sinh sống tại mảnh đất Vladimir quê hương ông…

Nhớ căn nhà gỗ, nhớ rặng bạch dương

Khuya muộn, ông bà Aleksandr và Olga dẫn những người bạn Việt Nam đi nghỉ ngơi. Tôi nằm trằn trọc trên chiếc đi-văng, thỉnh thoảng lại ngồi dậy ngắm nghía căn phòng gỗ, trên tường treo những kỷ vật gắn liền với cuộc đời binh nghiệp của chủ nhà. Giữa những khẩu súng, thanh kiếm lệnh, những tấm huân chương, còn treo nguyên bộ quân phục của lính dù và bức ảnh ông chụp cùng đồng đội năm xưa… Phòng bên, Mikhailovich đang “kéo gỗ”. “Lính dù chúng tôi lạ lắm, cứ gặp nhau là thành anh em, chúng tôi còn có một loại rượu riêng, chỉ có lính dù mới có, tôi sẽ tặng anh một chai để đem về Việt Nam làm kỷ niệm”, lúc tối, ông đã từng tự hào nói với tôi như thế…

Tôi hé cửa sổ, mùi ẩm mốc của cây cỏ trong đêm len vào phòng. Trong ánh đèn mờ hắt ra từ vườn, rặng bạch dương mà Aleksandr Mikhialovich trồng và chăm sóc từ hơn chục năm qua dường như không ngủ, lá đung đưa xạc xào trong gió thu lạnh. Lời một bài hát nổi tiếng của ban nhạc ái quốc Liube bỗng chợt vọng về: “Cớ gì ở nước Nga bạch dương xào xạc? Cớ gì những thân trắng kia thấu hiểu lòng người?”…

Lại nhớ hồi chiều, khi rượu đã ngà ngà, tôi có đọc cho bà Olga nghe một khổ thơ của Esenin “thi sĩ cuối cùng của thiên nhiên Nga” về cây bạch dương. Trong lời tâm tình với “nàng bạch dương”, chàng thi sĩ đã muốn “nàng” nói cho mình biết những bí mật, khi chàng yêu đến ngất ngây “tiếng thu buồn trong lá”…

Buổi sáng, tôi cùng các bạn dậy sớm, đi ra sông và tản bộ thăm làng. Những hàng dậu cũ, những ngôi nhà gỗ nhỏ bình yên ẩn mình dưới tán lá phong, bạch dương, bên những hồ nước lặng… Thảng hoặc lắm mới gặp một người dân ở đây. Một ông cụ cho biết ở làng giờ chủ yếu là những người già, bọn trẻ đã đi làm ăn ngoài thành phố…

Sau một cữ vodka buổi sáng thì cũng đã đến giờ chia tay. Aleksandr Mikhailovich thân chinh lái xe dẫn đường ra trục lớn. Đến nơi, ông dừng lại, mở cốp, lôi ra một chai rượu, mấy cái ly. Ái chà, đúng kiểu truyền thống Nga đấy, “na pososhok”, uống cạn ly khi từ biệt. Thế là lại vodka, cái thứ nước trong vắt này sao mà... đáng yêu và đáng ghét đến thế...

Về nước, nhớ Mikhailovich, tôi gọi điện sang cho ông. “Tôi nhận ra rồi, tôi vẫn nhớ giọng của anh mà” - ông vừa reo lên vừa thở. Ông hỏi tôi còn nhớ đêm mùa Thu ở làng Penkino không và hẹn khi nào sang Nga phải đến chơi nữa, mấy ngày liền nhé.

Aleksandr Mikhailovich yêu quý, tôi nhớ quá đi chứ. Nhớ tấm lòng đôn hậu hiếu khách của ông bà, nhớ căn nhà gỗ hướng ra sông Klyazma lộng gió, nhớ rặng bạch dương vàng như trong cổ tích, nhớ cái bàn là gỗ cổ xưa nhất của làng quê nước Nga mà ông bà lưu giữ nó có hình thù ra sao, cách sử dụng nó thế nào. Nhớ cách bà Olga sấy táo để mùa Đông nấu nước campot, nhớ cách lên đạn súng săn mà ông bày cho, nhớ cả kho đựng củi gỗ bạch dương mà khi về, tôi đã xin ông một thanh, để nhét vào vali làm kỷ niệm và hiện nó đang ở vị trí trang trọng trong phòng khách...

Ngủ lại một đêm ở làng Nga, sao lại có quá nhiều kỷ niệm...