Đó là những hy vọng của chuyên gia kinh tế Lê Trọng Nhi khi trao đổi với PV NTNN về những kỳ vọng vào sự khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2015.
Thành công đến từ nỗ lực
Kết thúc năm 2014, những đánh giá chung về nền kinh tế cũng đã ghi nhận những dấu ấn thành công như lạm phát được kiềm chế, tăng trưởng GDP vượt dự kiến... Không ít ý kiến lạc quan về sự khởi sắc hơn trong năm 2015, riêng ông có cảm nhận ra sao?
Về sự khởi sắc hơn trong năm 2015, tôi cũng có khuynh hướng và cảm nhận gần như vậy. Tuy nhiên, để tránh rơi vào sự tự mãn và không bị ru ngủ, cần phải có những cái nhìn “nguyên nhân và hệ quả” của vấn đề. Nếu cho rằng lạm phát được kiềm chế và tăng trưởng GDP vượt dự kiến là những dấu ấn thành công, thì những thành công này cũng chính là những nỗ lực chật vật để sửa chữa những sai lầm trong việc thực hiện các chính sách vĩ mô trước đây. Đó là một thực tế.
Vậy, ông ghi nhận những kết quả gì được coi là đột phá trong năm 2014 mà có thể làm động lực cho năm 2015?
- Một trong những những điều chỉnh và thay đổi lớn mà tôi quan tâm, là câu chuyện “quốc hữu hóa” Ngân hàng Xây dựng – VNCB đầu tháng 2.2015. Nếu theo âm lịch, đó là một đột phá trong năm 2014, nếu theo dương lịch, đó là một động lực cho năm 2015 và nhiều năm về sau.
Tại sao? Có một giai đoạn và thời kỳ, 2003-2008, hệ thống ngân hàng và đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần gần như được buông thả quá trớn và đã trở nên cẩu thả quá trớn. Tới thời kỳ 2010-2014, những ngân hàng “thây ma” biết đi (zombie banks) vẫn được nuôi sống. Sự việc cho phép một “ngân hàng thây ma biết đi” nhỏ biến thái thành “ngân hàng thây ma biết đi” lớn hơn như Ngân hàng Xây dựng-VNBC là một tác hại đã thấy và lường trước. Hệ quả và tác hại cho nền kinh tế đã quá rõ. Vì vậy, dọn dẹp và thu xếp lại hệ thống ngân hàng là điều cần thiết và nhất thiết.
Với tôi, trong vài năm gần đây mặc dù đã có những ý kiến không đồng thuận với một số chính sách tiền tệ và quản lý- điều hành của Ngân hàng Nhà nước, nhưng đây là quyết định lội ngược dòng ngoạn mục và cú hích tích cực đáng ghi nhận của Thống đốc và Ngân hàng Nhà nước. Có thể một số bạn đồng nghiệp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng sẽ không đồng tình và hài lòng về ý kiến này nhưng đây là điều tôi đã ngóng chờ từ hơn 4 năm qua.
Tiêu dùng sẽ trở lại nhờ củng cố niềm tin
Cho đến thời điểm này, yếu tố cầu nội địa được coi là “vùng trũng” trong năm 2014 vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Theo ông nguyên nhân vì đâu? Liệu đây có phải là lực cản chính khiến nền kinh tế chậm khởi sắc?
- Đúng vậy. Những vùng trũng này, theo quan sát của tôi, là một trong những yếu tố mà một số chuyên gia và nhà thực hiện chính sách thường có những hiểu lầm hoặc e ngại chưa chịu công nhận. Những vùng trũng này, hiểu theo cách đơn giản nhất, bao gồm đầu tư của tư nhân trong nhiều lĩnh vực vẫn còn yếu và chần chừ; và sức chi tiêu của người tiêu dùng vẫn chưa có những dấu hiệu tích cực.
Trở lại với cái nhìn “nguyên nhân và hệ quả” như đã nêu trên thì vùng trũng này chính là hệ quả của những sự tổn thương của “niềm tin – tin cậy” bị dồn nén, một thời gian khá dài, vào những chính sách và sự quản lý-điều hành thiếu nhất quán và quyết đoán của các cấp vĩ mô.
Như vậy, để sự lạc quan và khởi sắc đang mấp mé cho năm 2015 không bị chựng lại, những quyết định đột phá (dứt khoát) như Ngân hàng Nhà nước với Ngân hàng Xây dựng cần được công bố rõ ràng hơn và không chỉ dừng lại với Ngân hàng Nhà nước mà cần lan rộng ra các bộ ngành khác. Tìm - củng cố - trả lại cho nền kinh tế (những thị trường…) nhất là người đầu tư và người tiêu dùng những niềm tin và tin cậy, cho dù mong manh, vốn đã có.
Theo ông, điều gì sẽ là động lực để đẩy cao mức cầu nội địa trong năm 2015?
- Có lẽ và chắc rằng cũng là bệnh nghề nghiệp – Giải pháp và biện pháp xử lý nợ xấu đang cứ loay hoay trong nền kinh tế phải là hành động ưu tiên thiết yếu nhưng nên thiết thực và dứt khoát chứ không như cách làm, qua cơ chế “sáng kiến bản sắc- đặc thù” gán ghép cho VAMC, như hiện nay.
Mặc dù không có cơ hội tiếp cận những dữ liệu chính thức và biết tình tiết của sự vụ việc đưa đến giải pháp sau cùng với VNBC vừa qua, nhưng có thể thấy rằng đã có cách khác hơn. Nợ xấu là nợ xấu. Nợ giả là nợ giả. Phải tách bạch và không còn phải nhọc nhằn nữa. Nếu được vậy, tôi nghĩ rằng những vùng trũng sẽ sớm được san bằng.
Đã qua 3 năm của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế với 3 trọng tâm: Doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đầu tư công và lĩnh vực ngân hàng. Theo đánh giá của ông thì lĩnh vực nào trong 3 lĩnh vực này đạt được kết quả khả quan nhất? Đâu là lĩnh vực cần phải tập trung mạnh trong năm 2015 để tạo sự đột phá?
- Trước tiên là lĩnh vực ngân hàng đã và đang có sự sắp xếp (dọn dẹp). Đang bắt đầu có những bước thay đổi khá bài bản và hiển nhiên sẽ còn nhiều bước khác sẽ phải được tiếp tục triển khai trong kế hoạch hành động của Ngân hàng Nhà nước.
Kế tiếp là lĩnh vực DNNN cũng có những chuyển động đáng chú ý qua những vụ cổ phần hóa lớn nhỏ - như các ngân hàng thương mại quốc doanh – Hàng không Việt Nam…
Sau cùng là lĩnh vực đầu tư công vì tính chất đan xen giữa trung ương và địa phương cho nên rất khó đo lường.
Lĩnh vực ngân hàng vẫn cần phải tập trung dọn dẹp và kế hoạch hành động cũng phải nhất quán để có sự ổn định và phát triển vào năm 2016. Cùng lúc đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
Lãi suất thấp so với nhiều năm trước là một điều kiện tốt đối với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, không nhiều doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn trong năm 2014. Theo ông, đâu là nguyên nhân chủ quan, đâu là khách quan? Năm 2015 cần phải có những chính sách tháo gỡ gì để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được với nhiều nguồn vốn hơn nữa?
- Về khách quan, trước tiên, lãi suất thấp hơn so với năm 2010-2013 chỉ là một vế vấn đề của tín dụng và nguồn vốn. Kế tiếp, thị trường vốn nói chung và thị trường tiền gửi nói riêng của nền kinh tế còn yếu và không cung cấp và hỗ trợ các nguồn trung và dài hạn. Sau cùng, vấn đề chính là khoản nợ xấu vẫn bị loay hoay trong hệ thống ngân hàng và VAMC mà chúng ta chưa thật sự giải quyết rốt ráo như tôi đã đề cập phía trên.
Về chủ quan, những dự án đầu tư mới hoặc nâng cấp-mở rộng, đa số các ngân hàng đến nay vẫn chỉ quen và muốn dựa vào tài sản thế chấp và bảo lãnh cho các khoản tín dụng nhưng chưa linh động đủ và chuyên nghiệp hơn để triển khai các nghiệp vụ - sản phẩm như: Tài trợ dự án không cần thế chấp bằng tài sản khác hoặc bảo lãnh khác, tài trợ đa lớp gồm nhiều nguồn vốn khác nhau – thời hạn khác nhau và rủi ro cũng được nhận dạng và được bảo hiểm…
Mong rằng từ năm 2015 về sau sẽ có thêm nhiều ngân hàng sẽ chuyên nghiệp hơn và thay đổi cách tiếp cận để đánh giá và cung cấp nguồn tín dụng và vốn cho các dự án. Nói một cách khác, người thật việc thật, cần đánh giá dự án tốt và khả thi chứ không phải chỉ là tài sản hoặc bảo lãnh. Tóm lại, lĩnh vực ngân hàng cần một thế hệ chuyên viên và chuyên gia quản lý-điều hành có trình độ và chuyên nghiệp hơn.
Xin cảm ơn ông!