Nhiều chuyển biến
Nở rộ những mô hình hiệu quả từ đồng vốn ưu đãi hợp lý. Ảnh nông dân Cần Thơ thu hoạch sữa bò.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án nâng cao chất lượng hoạt động, đến cuối năm 2014, tổng nợ quá hạn còn 9,303 tỷ đồng (chiếm 0,72% tổng dư nợ), giảm hơn 30 tỷ đồng so với năm 2011. Tổ xếp loại tốt tăng 699 tổ (tỷ lệ tăng 73,66%) so với năm 2011.
Ông Phạm Văn Tư – Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Long, huyện Phong Điền cho rằng: “Việc sắp xếp, củng cố lại các tổ TKVV đã giúp cho các tổ trưởng thuận tiện hơn rất nhiều trong việc thu lãi và tiến hành họp định kỳ. Sự gần gũi thường xuyên giữa các tổ viên và tổ trưởng giúp cho việc hướng dẫn sử dụng vốn cũng như đôn đốc thu lãi, vận động gửi tiết kiệm chuyển biến tích cực”.
Đánh giá về những cải thiện chất lượng tín dụng, nhìn từ cấp huyện, ông Lưu Đức Phong – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Cờ Đỏ chia sẻ. “Việc thực hiện đề án củng cố, câng cao chất lượng tín dụng chính sách thời gian qua đã giúp cho công tác cho vay được thuận tiện hơn trước. Việc thực hiện đề án cũng tác động mạnh mẽ đến nhận thức của các cấp ủy, chính quyền khi họ quan tâm hơn tới nguồn vốn chính sách. Cùng với ngân hàng xác định đúng đối tượng cho vay, giúp người vay sử dụng nguồn vốn đúng mục đích hơn”.
Góp phần giúp 7.818 hộ thoát nghèo
Nguồn vốn tín dụng chính sách cùng với các chương trình phát triển kinh tế -xã hội của TP.Cần Thơ trong 3 năm qua đã góp phần giúp cho 7.818 hộ thoát nghèo, giải quyết việc làm cho 7.111 lao động; giúp cho gần 9.491 học sinh, sinh viên có vốn để trang trải chi phí học tập.
Từ nguồn tín dụng chính sách này, hơn 13.800 hộ xây dựng hơn 20.000 công trình nước sạch và vệ sinh, 341 hộ nghèo xây dựng nhà ở... Những hoạt động ấy đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Để đạt được những kết quả nêu trên, theo ông Lăng Chánh Huệ Thảo - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH TP.Cần Thơ, Ngân hàng CSXH thành phố đã thực hiện tốt một số giải pháp cốt lõi như: Phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương, hội đoàn thể nhận ủy thác thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp. Tổ chức rà soát, đánh giá năng lực, sở trường của từng cán bộ trong chi nhánh, qua đó xây dựng phương án sắp xếp cán bộ cho phù hợp; duy trì việc họp định kỳ hàng quý có mở rộng thành phần đến xã. Đưa các chỉ tiêu chính của đề án vào thang điểm thi đua hàng năm qua đó phân tích những tồn tại hạn chế và đề ra giải pháp phối hợp thực hiện...
“Đối với những món vay tồn đọng, ngân hàng tổ chức rà soát, phân loại và đánh giá khả năng trả nợ để có giải pháp xử lý phù hợp; kiên quyết xử lý đối với các hộ có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả; bình xét cho vay phải đảm bảo đúng đối tượng; hộ vay vốn phải có phương án rõ ràng, chí thú làm ăn và phải cam kết trả nợ, lãi đúng hạn” - ông Huỳnh Hoàng Phong – Trưởng phòng Nghiệp vụ tín dụng nhấn mạnh.