Từ “người hùng” khoán 8
Ông Ấn kể: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi 11 tuổi, Ấn phải bỏ học, đi khắp làng hót phân trâu để đổi lấy công điểm. Nhờ siêng làm nên dù người bé như cái kẹo, Ấn cũng gom được cả tạ phân mỗi ngày, đổi được 1,5 – 2 công điểm và liên tục được Ban quản trị HTX hồi đó nêu gương.
Chịu khó, nhanh nhẹn nên dần dà Ấn được cán bộ, xã viên tin tưởng, thường xuyên giao cho những việc quan trọng của làng, HTX. Khi đó, mô hình HTX kiểu cũ đã lộ rõ sự lạc hậu, xã viên thì ganh tỵ nhau, làm việc theo kiểu “tối ngày đầy công”, còn lãnh đạo HTX thì chỉ muốn vun vén cho mình nên mùa màng liên tục thất bát. Năm 1976, HTX bầu Ban chấp hành mới và Đặng Văn Ấn được bà con tin tưởng bầu làm Chủ nhiệm HTX Sơn Công với số phiếu cao.
Hôm nhận nhiệm vụ, vị chủ nhiệm trẻ mừng ít, lo nhiều, bởi trong thâm tâm ông chưa bao giờ nghĩ một ngày mình sẽ trở thành cán bộ, mà lãnh đạo xã viên của 10 thôn chứ chẳng chơi. Đêm ngủ, ông vắt tay lên trán suy nghĩ, rồi sáng ra gặp các vị bô lão trong làng xin ý kiến và nhận được lời động viên. Có động lực, ông mày mò nghĩ ra cách quản lý HTX mới sao cho hiệu quả nhất. Ông lập tức cho thành lập đội nhặt phân ở các thôn, nhờ đó xã viên không chỉ đạt công điểm cao mà lúa cũng có nhiều phân bón, được mùa liên tục.
“Nhưng tôi nghĩ, nếu cứ duy trì mô hình lao động theo kẻng, ghi công điểm thì người dân khó mà đủ ăn, nói gì đến thoát nghèo. Ở đội 1 và 2 thôn Hoàn Dương có đến 80% là gia đình chính sách, phần nhằm tạo điều kiện cho họ, phần để thử nghiệm nên tôi đã mạnh dạn giao ruộng cho một số hộ theo hình thức “khoán lợn”. Hồi đó, mỗi năm HTX phải nộp 21 tấn lợn hơi cho Nhà nước, do vậy các hộ sẽ nhận ruộng để chăm sóc, cấy hái và nuôi lợn, sau đó sẽ nộp sản phẩm cho Nhà nước với mức 20kg lợn/sào/năm và 70kg thóc/vụ. Trong đó, HTX sẽ chịu trách nhiệm 5 khâu gồm: Làm đất, ngâm ủ giống, thủy nông, phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ đồng ruộng, còn bà con đảm nhiệm khâu cấy, chăm sóc và thu hoạch. Người dân hay gọi là khoán quản, hay khoán 8 là vì thế”- ông Ấn kể.
Từ các gia đình chính sách, dần dần mô hình khoán 8 được nhân rộng ra các thôn, rồi khắp HTX. Được nhận ruộng, các hộ đều phấn khởi hăng hái lao động, bên cạnh đó, HTX cũng đẩy mạnh đầu tư vào kênh mương, tưới tiêu đầy đủ nên ruộng nhà ai cũng được mùa, còn sản lượng đóng cho Nhà nước thì liên tục vượt kế hoạch.
Cũng thật trùng hợp khi cách làm của ông Ấn khá giống với cách làm trong khoán 10 của ông Kim Ngọc - cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ). Nhưng thời điểm đó, mô hình của 2 ông đều bị cấm, phải làm chui. Do vậy mà ông Ấn không hề hay biết ở Vĩnh Phú, Bí thư Kim Ngọc cũng đang triển khai mô hình này.
Để hiểu hơn về mô hình khoán 8 của ông Ấn, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Thu Bôn, hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Công, trước đây từng làm kế toán của HTX Sơn Công. Ông Bôn cho biết, khi đó ông Ấn và Ban quản trị HTX đã báo cáo mô hình lên ông Nguyễn Xuân Thành, là Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Ứng Hòa, phụ trách xã Sơn Công lúc bấy giờ. Ông Thành không ủng hộ, nhưng cũng không phản đối nên HTX vẫn tiếp tục làm.
Hiện ông Thành đã 75 tuổi, nhưng khi chúng tôi gợi lại chuyện khoán 8 của ông Ấn, ông Thành vẫn nhớ như in. “Đúng là khi đó tôi có biết chuyện ông Ấn “xé rào” giao ruộng cho dân làm, nếu tôi báo cáo lên huyện thì không những mô hình sẽ “chết yểu”, mà ông Ấn còn bị kỷ luật nặng, nên tôi cứ để họ làm coi như thử nghiệm. Nhưng vì là HTX liên tục dẫn đầu huyện nên cuối cùng cũng đến tai lãnh đạo T.Ư. Năm 1980, đồng chí Vũ Oanh, lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư đã về Sơn Công xem xét tình hình thực tế để báo cáo lên lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Đúng mùng 1 tết năm 1981, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (khi đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) đã về thăm mô hình và phát biểu: “Đây là một mô hình hay, cách làm tốt, cần phát huy hơn nữa” – ông Thành kể.
Đến ông “Hội đồng”
Với sự chỉ đạo của Thủ tướng, ông Ấn không những không bị kỷ luật mà còn được khen ngợi, sau đó mô hình được nhân rộng ra cả nước. Xã Sơn Công liên tiếp đón các vị lãnh đạo cấp cao như đồng chí Tố Hữu – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng; Đại tướng Hoàng Văn Thái – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về thăm. Đến năm 1988, khi Chỉ thị 100 của T.Ư ra đời, khoán sản phẩm đến nhóm người lao động, xóa mô hình HTX cũ và gọi là khoán 10 thì mô hình của ông Ấn tiếp tục trở thành “địa chỉ đỏ” để các địa phương đến học tập.
Năm 1981, bầu cử Quốc hội khóa VII (1981 – 1986), ông Ấn vinh dự được cử tri bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Tây (cũ). Một nông dân đích thực, mới học hết lớp 3 trở thành đại biểu Quốc hội đã gây xôn xao dư luận lúc bấy giờ, và chính điều này khiến xã Sơn Công càng nổi tiếng hơn, được lãnh đạo T.Ư chú ý.
Khi đó, cứ mỗi lần Quốc hội họp, người dân làng Nghi Lộc lại thấy xe con về đón ông Ấn. Đều đặn sáng đón, chiều đưa trả tận nhà. Hình ảnh ông “Hội đồng” chân quần xắn cao quá đầu gối còn đang phăng phăng cày máy, bỗng lội thoăn thoắt khỏi bờ ngồi lên xe con về Hà Nội họp đã quá quen với bà con nơi đây.
Hết kỳ họp, về đến làng ông lại lao ra ruộng xem bà con cấy hái, nước nôi thế nào. Thậm chí, ông còn chi hết tiền lương đại biểu Quốc hội của mình để mua thóc giống, phân bón hỗ trợ cho các gia đình khó khăn, dù chính gia đình ông cũng không khá hơn là mấy.
Mãn nhiệm kỳ Quốc hội, ông Ấn về công tác trong ngành nông nghiệp thêm 30 năm nữa và từng giữ các chức Bí thư, Trưởng thôn, rồi Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi thôn Nghi Lộc; bằng khen, giấy khen do lãnh đạo huyện, tỉnh, T.Ư tặng đếm không xuể. Hiện dù đã ở tuổi 74, nhưng ông Ấn vẫn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động xã hội tại địa phương. Những năm gần đây, ông đã cùng Chi hội Người cao tuổi thôn Nghi Lộc miệt mài đạp xe đến từng hộ, tuyên truyền vận động người dân hiến hàng nghìn m2 đất để mở rộng đường làng, ngõ xóm.