Đại diện cho Hội Nông dân Việt Nam, tôi đến Jakarta để dự hội thảo về quản lý đất đai và nguồn tài nguyên theo lời mời của Diễn đàn Nhân dân Á- Âu. Sau 3 ngày bị “nhốt” trong khách sạn với lịch trình hội thảo kín mít từ sáng đến tối, phải đến đêm trước khi chia tay Jakarta, tôi mới có cơ hội khám phá thành phố này. Tất cả nhờ có bạn tôi- Adi Bramasto- một nhân viên ngoại giao đang làm việc cho Bộ Ngoại giao Indonesia đã tận tình đưa đường dẫn lối.
“Lạc” vào xe buýt của đàn ông
5 giờ chiều, từ khách sạn Ambhara tọa lạc ở “Blok M”- khu trung tâm mua sắm nổi tiếng của Jakarta, Adi lái xe đưa tôi vào trung tâm thành phố cách đấy 3km. Nhưng thật vất vả để vượt qua chặng đường đó. Ở giờ tan tầm, đường phố Jakarta ken đặc xe cộ, từ xe máy, ô tô, xe kéo… Những loại xe này trông không khác gì những con bọ hung, ì ạch chậm rãi di chuyển trong làn khói bụi trên những con đường chật hẹp. Nhận thấy với tình hình này, có khi đến 12 giờ đêm chúng tôi cũng không thể đến những nơi cần đến, Adi quyết định tạt vào một trung tâm thương mại để gửi xe và chúng tôi di chuyển bằng xe buýt và đi bộ.
Theo hướng dẫn của Adi, xe buýt ở Jakarta có tuyến đường riêng nên sẽ không gặp phải cảnh tắc đường như khi đi ô tô hoặc xe máy. Bạn khuyên tôi, nên trải nghiệm cảm giác đi xe buýt ở đây. Dĩ nhiên, tôi đồng ý.
Thoạt nhìn, tôi thấy hệ thống xe buýt ở Jakarta không có gì khác so với ở Hà Nội, ngoại trừ việc xe ở đó trông cũ hơn bên mình, còn ý thức người đi xe buýt thì phải đi mới cảm nhận được. Nghĩ vậy, tôi hào hứng đi theo Adi mà không hề biết rằng, điều sắp xảy ra với mình là trải nghiệm độc đáo ở một quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới này.
Đón xe buýt ở Jakarta không có cảnh đứng ven đường và vẫy tay như ở Hà Nội. Chúng tôi phải đi vào bến xe buýt, đi vòng quanh một khu vòng tròn khá rộng, sau đó quẹt thẻ và đi vào một khu nhà chờ. Cơ sở hạ tầng ở các bến xe buýt này đều khá cũ. Tại nhà chờ, có nhiều cửa đứng đợi có ghi số dành cho các điểm đến khác nhau. Khi tôi và Adi đến xếp hàng ở cửa số 1, khoảng vài phút sau, tôi bắt đầu nhận thấy sự khác lạ. Ở cửa tôi đứng, không có bóng dáng của bất kỳ một phụ nữ nào khác, ngoại trừ tôi, thay vào đó là đàn ông với đủ kiểu trang phục từ quần tây áo Batik, đến những bộ quần áo lùm xùm đặc trưng của Hồi giáo… Nhìn ra xa, ở một số cửa khác thì lại chỉ thấy phụ nữ trong trang phục trùm đầu hoặc trùm kín mít từ đầu tới chân, đứng đợi xe.
Đem thắc mắc hỏi Adi, cậu bạn trả lời, ở Jakarta có xe buýt dành riêng cho nữ giới. Những phụ nữ Hồi giáo này không đi chung xe buýt với đàn ông và ngược lại, đàn ông cũng bị cấm không được lên những chuyến xe dành cho nữ giới. Vì bạn tôi là nam giới, nên để có thể giúp tôi có trải nghiệm đi xe buýt đành phải đánh liều đưa tôi lên xe buýt nam, vì hiện vẫn chưa có quy định, phụ nữ không được lên xe buýt nam.
Sau lời giải thích, Adi không quên trấn an tôi: “Cứ yên tâm, tôi có thẻ ngoại giao, sẽ không có gì bất trắc đâu!”. Thú thật, niềm đam mê trải nghiệm, khám phá những điều mới mẻ, mạo hiểm, luôn tiềm ẩn trong mỗi nhà báo, đặc biệt là mỗi khi có dịp đi ra nước ngoài. Nhưng một mình lạc vào chốn đàn ông là điều tôi không tưởng tượng ra.
Và rồi, tôi cũng đã quyết định “liều mình” chỉ để “đổi lấy kinh nghiệm”. Xe đến, chúng tôi ùa lên xe. Adi nhanh nhẹn nên đã kiếm cho tôi được một chỗ ngồi khá thoải mái và ở góc gần cuối của xe để tránh tối đa sự “soi mói” của các hành khách nam khác. Sau khi yên vị và có bạn ngồi bên, tôi mới thấy đỡ run hơn và bắt đầu quan sát. Hành khách trên xe khá đông đúc, có chút chen chúc nhưng cũng rất trật tự. Họ không bắt chuyện với nhau hay trò chuyện rôm rả ồn ào như những chuyến xe buýt ở Hà Nội. Mỗi người một việc, người thì cắm cúi vào điện thoại, người đọc sách, có người tranh thủ chợp mắt sau một ngày làm việc vất vả, phần còn lại thì đổ dồn cặp mắt vào tôi – như một vật thể lạ- đang tồn tại trong “lãnh địa” tưởng như chỉ dành riêng cho họ.
Đáp lại ánh mắt đầy thiện cảm của tôi, ánh mắt của họ dù khá ngạc nhiên, có sự tò mò, nhưng cũng rất thiện cảm. Sự trật tự, lịch sự này đã xua tan trong tôi những tưởng tượng không được tích cực lắm trước khi lên xe.
“Đặc sản” tắc đường
Tôi được nghe nói đến món “đặc sản” tắc đường ở Jakarta ngay từ khi tôi có ý định đến đây, và cũng không phải chờ đợi lâu, món “đặc sản” này đã đón tôi ngay trên đường từ sân bay về khách sạn. Chỉ chừng hơn 20km, nhưng phải đến gần 2 giờ, chiếc taxi mới “bò” về khách sạn. “Màn chào hỏi” giữa tôi và Jakarta khá ấn tượng thế đấy, nhưng phải đến khi trải nghiệm cuộc sống về đêm ở thủ đô này mới thấu hiểu người dân Jakatar đã phải sống chung với nạn kẹt xe tắc đường khổ sở đến chừng nào.
Tại Jakarta, thành phố có 24 triệu dân, chỉ có 13% dân số sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Đầu tư vào giao thông công cộng ở Jakarta bắt đầu từ năm 2004. Công trình xây dựng vẫn đang tiếp tục ở giai đoạn đầu cho một hệ thống xe điện ngầm, có tên dịch từ tiếng Anh ra là hệ thống đường sắt “Vận chuyển nhanh với số lượng lớn”. Phần lớn của dự án này do Nhật Bản tài trợ. Những chiếc ô tô chen chúc trên đường phố Jakarta vào giờ cao điểm là hình ảnh diễn ra “như cơm bữa” và không còn xa lạ với người dân Indonesia. Jakarta đã phải đối mặt với vấn nạn ách tắc giao thông trong hơn 20 năm nay. Sự gia tăng nhanh chóng số người sở hữu xe hơi trong khi cơ sở hạ tầng yếu kém đã biến hoạt động giao thông trở thành “cơn ác mộng” đối với hầu hết người dân Jakarta.
Trong dòng giao thông xuôi ngược tấp nập, tôi nhận thấy ở đây, người ta cũng lái xe bên phải đường với tay lái nghịch như ở Thái Lan, Singapore. Với những đoạn đường có khoảng trống, lái xe cũng đạp lút chân ga cho vọt lên với vận tốc từ 80-100km/giờ, song do đường tốt nên người ngồi trên xe không có cảm giác về tốc độ. Một điều khá thú vị là nếu không muốn kẹt xe thì tốt nhất nên đi xe máy.
Chỉ cần khoảng cách từ 80-100cm giữa các làn xe hơi đã đủ cho xe máy phóng đi với tốc độ chóng mặt và biến mất trong chớp mắt giữa sự ngẩn ngơ, thèm thuồng của cánh tài xế xe hơi khi phải nhích từng mét một trên đường. Dường như kẹt xe đã hình thành nên một phong cách chạy xe máy không giống ai của người Jakarta khi có thể phóng tốc độ cao cả chục km trên những con đường… 1m kiểu như vậy để di chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Khi đã khá quen mắt với cảnh tắc đường thì cảnh người ăn xin đổ xuống đường xin ăn cũng khiến tôi… choáng váng. Nhiều thanh niên tự nguyện xuống đường lau kính xe cho những chiếc ô tô, họ không đòi hỏi tiền công, song đôi khi các tài xế cũng móc hầu bao trả họ. Rồi cảnh những người lớn ăn mặc rách rưới, bế trên tay những đứa trẻ còn bé xíu, trông nhếch nhác để xin tiền lẻ của người đi đường…Trong cảnh tượng không mấy đẹp đẽ đó, tôi còn nhìn thấy một số người ôm những bức ảnh chân dung ra mời chào khách ngồi trong ô tô chờ tắc đường. Thấy lạ, tôi hỏi Adi thì nhận được câu trả lời rằng, đó là những bức chân dung của tân Tổng thống Indonesia. Theo lời Adi, ở đất nước đa số dân là người Hồi giáo và mưu cầu dân chủ như Indonesia, việc đi bán dạo những bức chân dung nhà lãnh đạo và việc có nhu cầu mua chúng về treo ở phòng làm việc và ở nhà riêng là điều gây ngạc nhiên nhất cho nhiều người khách nước ngoài khi đến thăm Indonesia.