"Đồng hồ mạng quang học trong môi trường lạnh" có hình dạng giống những chiếc máy tính khổng lồ hơn đồng hồ treo tường. Chúng có độ chính xác cao đến mức công nghệ hiện nay cũng không thể đo lường.
Nhóm nghiên cứu trường Đại học Tokyo do giáo sư Hidetoshi Katori đứng đầu, tin rằng thiết bị đo lường này có thể vượt xa các đồng hồ nguyên tử hiện nay, vốn đang được sử dụng để xác định "đơn vị giây".
Cặp đồng hồ mạng quang học trong môi trường lạnh của các nhà khoa học Nhật trong bức ảnh được công bố hôm qua. Ảnh: AFP
Đồng hồ của các nhà khoa học Nhật sử dụng laser đặc biệt để giữ các nguyên tử strontium trong những cấu trúc dạng lưới nhỏ. Sau đó, nó đo tần số dao động của strontium và sử dụng chúng như "con lắc nguyên tử".
Hệ thống phải hoạt động ở nhiệt độ khoảng -180 độ C nhằm giảm bớt tác động của sóng điện từ xung quanh và duy trì độ chính xác. Nhóm chuyên gia kết nối hai đồng hồ trong một tháng và ước tính rằng phải 16 tỷ năm mới có một lần gián đoạn một giây. Trong khi đó cứ 30 triệu năm, đồng hồ nguyên tử caesium có thể xuất hiện lỗi về giây tương tự.
Theo AFP, công nghệ này có thể áp dụng cho hệ thống định vị toàn cầu bằng vệ tinh, mạng lưới thông tin liên lạc, hay đóng vai trò nền tảng cho nhiều công nghệ yêu cầu độ chính xác cao.
"Bằng việc cải thiện độ chính xác, chúng tôi kỳ vọng về những cuộc thảo luận mới về việc xác định lại đơn vị giây", tuyên bố của nhóm nghiên cứu cho hay.