Nghe tiếng củi tưởng chừng như đơn giản nhưng kỳ thực nó muôn hình vạn trạng. Đơn giản nhất là rơm, rạ, lá tre khô, lá tàu dừa phơi khô hay chiếc mo nan cau, mo nan dừa, … xa hơn là những thứ cây tạp mọc quanh nhà, thứ nào đốt được là làm củi được.
Nhưng để có củi chụm qua mùa mưa, nước ngập hễ ra giêng là người ta đốn những vườn trâm bầu, bình bát, hay những cây bần to để cưa củi, bửa củi phơi khô rồi chất thành cự để dành.
Dễ cháy và lửa đượm là tre, trúc, bình bát đem ngâm, lột vỏ rồi mới làm củi. Củi nhỏ thì dùng dao phay chặt khúc. Củi lớn như tràm, đước thì phải cưa. Rồi dùng búa chẻ nhỏ ra. Có những cây sớ thịt chằng chịt lại dai như me thì khó bửa thấu trời.
Dân gian miền Tây kể rằng, có chàng rể sang nhà vợ sắp cưới chúc Tết. Anh ta được bà mẹ vợ nhờ bửa đống củi. Từ sáng sớm đến xế trưa, gặp những khúc me dai, anh ta hoa cả mặt mày mà cũng chẳng xong. Sớm mai ông già vợ về, kể lại chuyện của chính ông đi làm rể và bửa củi ngày xưa, anh ta mới thoát được thử thách của … mẹ vợ.
Than củi đước thì nồng nàn và đỏ rực. Cơm nấu bằng củi thướng có cơm cháy - món mà đứa trẻ con nào cũng ưa thích. Than củi còn hữu dụng trong các món nướng. Từ củ khoai, trái bắp lùi vào bếp than lột vỏ ăn ngọt lịm. Tôm, tép, cá trê, cá rô cặp gắp nướng trên bếp than mỡ cháy xèo xèo vàng rượm, ăn với nước mắm me, nước mắm gừng thì … hết ý.