Thẩm phán Park Han-chul tuyên bố điều luật được đưa ra vào năm 1953 này là vi hiến, và “dù hành vi ngoại tình cần bị phê phán là trái đạo đức, nhưng cơ quan quyền lực nhà nước không nên can thiệp vào đời sống riêng tư của cá nhân”.
Ngay sau khi phán quyết trên được công bố, cổ phiếu của tập đoàn Unidus chuyên sản xuất bao cao su ở Hàn Quốc đã lập tức tăng 15% giá trị, khi mặt hàng này trên thị trường trở nên bán chạy khác thường.
Điều luật trên biến Hàn Quốc trở thành một trong số ít quốc gia phi Hồi giáo trên thế giới coi những người ngoại tình là tội phạm. Trong 6 năm qua, đã có 5.500 người Hàn Quốc bị kết tội ngoại tình, trong đó năm 2014 có tới 900 vụ.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dưới sức ép của dư luận, số trường hợp ngoại tình bị đưa ra xét xử đã giảm dần, và rất ít người “ăn phở” phải ngồi tù theo điều luật trên.
Năm 2004, có 216 người Hàn Quốc bị kết án tù vì tội ngoại tình, tuy nhiên đến năm 2014, chỉ có 22 người phải ngồi tù theo luật chống ngoại tình. Điều này phản ánh những xu thế thay đổi của xã hội Hàn Quốc, nơi sự phát triển và hiện đại hóa mạnh mẽ thường mâu thuẫn với những quan niệm truyền thống.
Thẩm phán Park tuyên bố: “Quan niệm của dư luận về quyền tự do cá nhân trong đời sống tình dục của mình đã có nhiều thay đổi”. Đây là một trong những cơ sở để tòa án ra phán quyết bãi bỏ điều luật trên.
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc tin rằng điều luật này mặc dù nhằm mục đích tốt là ngăn chặn tình trạng ngoại tình làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội và hạnh phúc gia đình, nhưng nó thể hiện sự can thiệp quá đáng của nhà nước vào đời sống riêng tư của cá nhân.
Trước đây, hành vi ngoại tình ở Hàn Quốc chỉ bị truy tố theo đơn tố cáo của vợ hoặc chồng đối tượng ngoại tình, và hồ sơ vụ án sẽ được đóng lại ngay lập tức nếu nguyên đơn bãi nại, thông thường là sau khi có sự dàn xếp về mặt tài chính.
Năm 2008, Tòa án Hiến pháp cũng đã từng bàn về điều luật này sau khi nhận được đơn khiếu nại của nữ diễn viên nổi tiếng Ok So-ri, người bị kết án 8 tháng tù treo vì tội ngoại tình. Cô Ok đã đệ đơn lên tòa án cho rằng điều luật trên đã vi phạm nhân quyền của cô, tuy nhiên lúc đó khiếu nại của cô đã bị bác bỏ.
Điều luật trên được xây dựng vào năm 1953 với mục đích ban đầu là bảo vệ quyền lợi của phụ nữ vào thời kỳ mà hầu hết phụ nữ Hàn Quốc sau khi lấy chồng đều không có nguồn thu nhập riêng và phải lệ thuộc rất lớn vào chồng, trong khi những người phụ nữ ly dị lúc đó đều bị xã hội kỳ thị.
Tuy nhiên, đến ngày nay, nhiều người Hàn Quốc cho rằng điều luật đã không còn phù hợp. Luật sư Kim Jung-beom, chuyên gia về luật gia đình Hàn Quốc, nói: “Càng ngày số bị cáo là phụ nữ ngày càng tăng lên, và điều luật này theo cách nào đó đã trở thành một cách để bêu tên và hạ nhục phụ nữ”.