Giữ giá vì… tết
Ngày 26.2, giá dầu thế giới tiếp tục tăng lên, giá dầu Brent ở mức 61,63 USD/thùng (tăng 2,97 USD/thùng), dầu WTI tăng lên 50,99 USD/thùng (tăng 1,71 USD/thùng). Theo thông báo của Bộ Công Thương, giá xăng dầu thế giới thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng mạnh trở lại.
Với mức tăng này, giá cơ sở của xăng dầu mà Bộ Công Thương công bố có thể tăng từ 12,4% lên 16,7% song liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn quyết giữ giá bán lẻ xăng dầu trong nước và thay vào đó là chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp chênh lệch.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, quyết định giữ ổn định giá bán các chủng loại xăng dầu là nhằm góp phần ổn định giá cả hàng hóa, tránh tác động bất lợi đến xã hội và tâm lý người tiêu dùng do điều chỉnh giá xăng dầu, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó là để đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đi lại của người dân tăng.
Trước đó, các DN xăng dầu đầu mối cho biết, do biến động tăng của giá xăng dầu thế giới, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối trong nước đang bị lỗ phổ biến từ 1.700-2.500 đồng/lít xăng dầu các loại. Ngay từ trước tết, các DN đã kiến nghị liên bộ cho phép tăng giá nhưng đã 2 lần các cơ quan quản lý yêu cầu các DN giữ ổn định giá. “Việc kìm giữ giá tốt cho người tiêu dùng nhưng nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng lên thì có thể gây ra việc tăng “sốc” giá xăng dầu tới đây khi không còn quỹ để bù nữa”-đại diện một DN xăng dầu cho biết.
Sẽ không có lần kìm giá thứ 3?
Chuyên gia kinh tế này cũng bày tỏ băn khoăn rằng, khi giá xăng dầu thế giới giảm các DN xăng dầu cũng kêu lỗ và ngược lại, giá thế giới tăng họ cũng kêu lỗ. “Đây là điều bất minh nhất trong công tác điều hành giá xăng dầu hiện nay. Do vậy, khi giá xăng dầu phải tăng lên tới đây người dân cũng vẫn sẽ không tránh khỏi băn khoăn”- ông Long chia sẻ.
Một đại lý xăng dầu cũng cho biết, ít nhất thì 15 ngày tới, giá xăng dầu sẽ giữ như hiện nay theo đúng quy định của Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, nếu giá dầu thế giới tiếp tục tăng thì giá trong nước không thể kìm tới lần thứ 3. Đại diện của đại lý này cho hay, mức tăng giá xăng dầu phải phụ thuộc vào các công cụ thuế, sử dụng Quỹ Bình ổn giá. Do vậy, nhiều thông tin giá xăng dầu có thể tăng “khủng” tới đây chưa có cơ sở, nhất là khi biến động giá thế giới còn nhiều phức tạp.
Chia sẻ với báo giới, ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng nhìn nhận: “Việc xả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay để giữ giá chỉ là một biện pháp tình thế, mang tính nhất thời. Chúng ta sẽ không thể sử dụng mãi một công cụ tài chính để bình ổn giá, nhất là khi quỹ có giới hạn”. Bộ Tài chính đã quy định, chỉ khi giá dầu trên 75 USD/thùng thì xăng và dầu hoả được giảm thuế từ 35% hiện nay xuống 25%, dầu diesel và mazut được giảm từ 30% hiện nay xuống 20%. Do vậy, trong 15 ngày tới khó có việc giảm thuế vì giá xăng dầu thế giới khó có thể leo nhanh đến mức quy định nêu trên.