Sổ đỏ chồng lên sổ đỏ
Theo Quyết định 1264/QĐ/UB-KT, ngày 10.10.1997 của UBND tỉnh Lạng Sơn, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình được giao 6.956,6ha tại 15 xã của huyện Lộc Bình. Ông Hoàng Văn Phúc – Chủ tịch UBND xã Tam Gia (Lộc Bình) cho hay, theo diện tích “sổ đỏ” của công ty được cấp nằm trên địa bàn xã là 580,3ha. Tuy nhiên theo số liệu đo đạc năm 2011, công ty đang sử dụng tới 745,38ha, trong đó có 23,37ha giao chồng lên “sổ xanh” của người dân được cấp năm 1995 – 1996 và khoảng 43,21ha đất tranh chấp giữa người dân và công ty.
“Chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị công ty trả lại đất giao trùng cho người dân và giải quyết dứt điểm phần đất tranh chấp nhưng hơn chục năm nay họ vẫn cố tình giữ không trả. Ngay cả trụ sở UBND xã, trường tiểu học xã, sân bóng… cũng nằm trong sổ đỏ của công ty. Thậm chí đất ở của hàng trăm hộ dân vẫn nằm trong sổ đỏ của công ty nên việc vay vốn sản xuất gặp rất nhiều khó khăn” – ông Phúc cho biết.
Ông Lành Quốc Đường ở thôn Pò Nâm, xã Tam Gia, có đất trùng với đất công ty bức xúc nói: “Năm 1995, UBND huyện giao cho gia đình tôi 3ha để trồng rừng, tôi bỏ hết vốn liếng vào đây, nay đến kỳ thu hoạch thì công ty bảo đất, rừng của họ nên không cho khai thác. Cạnh nhà tôi còn có hàng chục hộ rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” này như hộ anh Lành Văn Cho (1,8ha), Lành Văn Bày (1,6ha), Lành Văn Nam (1,6ha)”.
“Người ăn không hết, kẻ lần không ra”
Điều đáng nói nữa là từ khi được giao đất đến nay, công ty hoạt động không hiệu quả và không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước. Cụ thể, tại Thông báo số 53/TB-STNMT của Sở TNMT Lạng Sơn ngày 28.5.2014 chỉ ghi: “Từ năm 2010 – 2012 công ty nộp đầy đủ thuế sử dụng đất (4%) cho Nhà nước”.
Theo phản ảnh của người dân các xã Tam Gia, Tú Mịch, Tú Đoạn, Yên Khoái… hầu hết các cánh rừng thông trồng của công ty rất thưa thớt, chậm lớn, cộng với việc quản lý thiếu chặt chẽ, nên người dân đã khai thác trộm cây, nhựa thông để bán. Anh Hoàng Văn Hùng, xã Yên Khoái cho rằng, công ty hoạt động không hiệu quả. “Với diện tích trên, nếu hoạt động hiệu quả có thể tạo việc làm cho hàng trăm lao động, nhưng người dân bao năm nay không được lợi gì, còn Nhà nước không thu được thuế. Chúng tôi đề nghị Nhà nước thu hồi, giải thể công ty để giao đất cho người dân sản xuất. Người dân thiếu đất sản xuất, còn công ty lấy đất rồi bỏ hoang” – anh Hùng bức xúc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vương Văn Thi – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bình thừa nhận, việc công ty đang sử dụng diện tích đất rừng lớn hơn diện tích được cấp là vì trước đây “đo bộ”, bây giờ đo máy nên dôi ra. “Chúng tôi đã đầu tư vào đây rất nhiều tiền, nhưng không thu được gì. Trồng mới thì người dân nhổ vì họ bảo trồng lên đất của họ. Những cây đủ tuổi khai thác thì họ cạo nhựa, thậm chí họ còn chặt cả cây bán cho Trung Quốc, ở xã Tam Gia công ty chỉ có 2 bảo vệ nên không thể quản hết được”.
Ông Lường Văn Phong - cán bộ địa chính xã Tam Gia cho hay: “Vì không có rừng, không có đất sản xuất nên nhiều người dân đã đi khai thác trộm gỗ, nhựa thông của công ty. Cả cánh rừng này chỉ còn 2 cây thông ở cổng đội bảo vệ là không bị cạo nhựa. Gần đây, nhiều người còn cưa trộm cây rồi chở sang Trung Quốc bán. Cứ đà này, công ty khó mà giữ được rừng, còn người dân cũng rất khó để ổn định cuộc sống”.