Dân Việt

Kế hoạch tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ 1.3: Giá lúa tăng nhẹ trước giờ G

Huỳnh Xây - Chúc Ly 27/02/2015 08:48 GMT+7
Sau Tết Nguyên đán, giá lúa vùng ĐBSCL đã tăng nhẹ từ 200-600 đồng/kg so với những ngày đầu tháng 2. Theo ngành chức năng các địa phương trong vùng, nguyên nhân chính nhờ Thủ tướng Chính phủ  ký quyết định triển khai thu mua tạm trữ khoảng 1 triệu tấn gạo (từ ngày 1.3), theo đó các doanh nghiệp bắt đầu đẩy mạnh việc thu mua.

Giá lúa tăng từ 200-600 đồng/kg

img
Nông dân xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, Vĩnh Long vui  mừng khi giá lúa bắt đầu tăng trở lại. 
Ngày 26.2, phóng viên NTNN ghi nhận, người dân ở các xã Đông Thành, Đông Bình, Đông Thạnh thuộc thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) đang tấp nập thu hoạch lúa đông xuân 2014-2015. Người dân nơi đây rất phấn khởi vì giá lúa đã tăng nhẹ so với thời điểm trước tết từ 200 - 600 đồng/kg. Lão nông Trần Văn Đại, ngụ tại xã Đông Bình khoe: “Sau khi ăn tết xong, nghe thông tin giá lúa nhích lên, tôi liền gọi thương lái đến bán hết 5.000m2 diện tích lúa IR 50404. Với diện tích trên và với giá 4.300 đồng/kg lúa tươi bán ngoài đồng, năng suất đạt hơn 3,5 tấn, trừ chi phí, tôi có lời khoảng 4 triệu đồng”.

 

Còn bà Huỳnh Thị Tâm, ngụ ở xã Đông Thạnh thì nói: “Nhiều loại lúa đang tăng giá. Riêng tôi làm lúa OM5451 cũng vừa bán được 4.700 đồng/kg lúa tươi trong khi trước tết chỉ có giá 4.100 đồng/kg. Vì phải thanh toán tiền với các đại lý phân bón nên tôi phải bán liền, nếu không tôi đã trữ lại thêm vài ngày nữa đợi lúa cao giá hơn”. Cũng như ông Đại và bà Tâm, nhiều nông dân ở thị xã Bình Minh nói riêng và tỉnh Vĩnh Long nói chung, hiện nay đã phần nào phấn khởi vì tín hiệu tốt của giá lúa.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, cuối tháng 2, toàn tỉnh đã thu hoạch được khoảng 17.000/61.000ha lúa đông xuân, với năng suất bình quân 6,7 tấn/ha. Sau tết, hoạt động mua lúa của các thương lái và doanh nghiệp diễn ra khá sôi động. Ngoài Vĩnh Long, hiện nay người dân các tỉnh như: Hậu Giang, Đồng Tháp, An Giang, Sóc Trăng… cũng đang thu hoạch rộ lúa đông xuân.

Tại nhiều cánh đồng, các “cò lúa” và thương lái cũng đã có mặt, tranh thủ thu mua lúa của người dân rồi đưa đến các nhà máy xay xát, sau đó bán gạo lại cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua. Ông Nguyễn Văn Tùng, một “cò lúa” ở huyện Vị Thủy (Hậu Giang), thông tin: “Sau tết, tôi và nhiều “cò lúa” khác đã đặt cọc mua lúa cho người dân với giá tăng hơn 200 đồng/kg so với thời điểm hiện tại. Bởi giá lúa đang nhích lên, các kho và doanh nghiệp thu mua lúa đã mở cửa và hoạt động trở lại, từ đó làm cho thị trường tiêu thụ mạnh hơn”.

Mới chỉ tác động nhẹ nhờ thông tin tạm trữ

Ngoài nguyên nhân các doanh nghiệp thu mua lúa trở lại sau tết, thông tin từ Sở NNPTNT các tỉnh thành vùng ĐBSCL cho biết, nguyên nhân phần lớn làm cho giá lúa nhích lên là do tác động từ thông tin Thủ tướng vừa ký quyết định thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ ngày 1.3 đến ngày 15.4 và đang chuẩn bị giao chỉ tiêu cho các doanh nghiệp.

“Tỉnh Hậu Giang có 80.000ha diện tích vụ lúa đông xuân, ước đạt sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn, quy gạo khoảng 600 ngàn tấn. Đến thời điểm này tỉnh Hậu Giang vẫn chưa nhận được chỉ tiêu trên giao để thu mua tạm trữ. Theo tôi việc thực hiện thu mua tạm trữ cần thực hiện sớm vì hiện đã đến thời gian thu hoạch, đồng thời sẽ kiềm chế được tình trạng giá lúa giảm” - ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang thông tin.

Ông Hà Minh Triều – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Trung (xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), cho rằng: “Nhiều nông dân ở huyện Châu Thành A vui mừng vì Nhà nước triển khai thu mua tạm trữ lúa gạo, bà con có thêm đồng lời. Về phía HTX, chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp hoặc vay không lãi suất trong thời gian thu mua như những doanh nghiệp được giao chỉ tiêu tạm trữ vì xét cho cùng công việc thu mua và trữ lúa cho các xã viên cũng gần với hoạt động tạm trữ lúa gạo”.

Đồng tình với ông Triều, GS-TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ nói: “Chính sách tạm trữ đã phần nào giúp ích được cho người dân. Thế nhưng, thực tế là người dân lời rất ít, chưa xứng đáng với công sức bỏ ra, chỉ giúp dân xoay xở được nguồn vốn để trả tiền vật tư nông nghiệp và làm thêm vụ lúa mới, phần lớn lợi ích nằm về phía doanh nghiệp”.


Sản lượng lúa đông xuân ước đạt 11,3 triệu tấn

Theo Bộ NNPTNT, dự kiến tổng sản lượng lúa vụ đông xuân năm 2014-2015 vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến là 11,3 triệu tấn. Trong tháng 2 và tháng 3 là 2 tháng thu hoạch rộ vụ đông xuân 2014-2015 của toàn vùng Nam Bộ, dự báo nguồn cung lúa, gạo thời điểm này rất cao. Giá thành sản xuất bình quân lúa vụ đông xuân 2014-2015 do Bộ Tài chính công bố ngày 15.1 là 3.417 đồng/kg, do đó để đảm bảo người nông dân có lãi tối thiểu 30%, giá lúa phải đạt từ 4.400kg trở lên.