Dân Việt

Người “thu nhỏ” núi Bà Nà, “bỏ túi” Ngũ Hành Sơn

Khải Phong 01/03/2015 06:30 GMT+7
“Thu nhỏ” núi Bà Nà, “rút ngắn” sông Hàn, “bỏ túi”  Ngũ Hành Sơn… là những việc mà ông Lê Văn Phiếu - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) quận Cẩm Lệ đang làm, góp phần giúp thành phố Đà Nẵng hấp dẫn hơn trong mắt du khách.

Nhìn thấy trước từ 5-10 năm

img

Ông Lê Văn Phiếu (giữa) và sản phẩm dưa hấu thư pháp.   
Ngay khi quận Cẩm Lệ mới thành lập (2005), ông Phiếu đã đưa ra ý tưởng và tham gia thành lập Câu lạc bộ Sinh vật cảnh, trực thuộc Hội ND quận, và đề xuất lấy ngọn đồi ở cầu vượt Hoà Cầm - một vị trí đắc địa cho kinh doanh - làm nơi sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của câu lạc bộ. Ngọn đồi đó bây giờ là khu đất vàng, nhưng ngày xưa nó hoang vắng, ít ai để ý đến. Ông Phiếu đã thấy được “tầm vóc” nó từ 5-10 năm trước. Từ ngọn đồi này, nhiều triệu phú, tỷ phú cây cảnh Cẩm Lệ ra đời.

Thương hiệu hoa súng, hoa sen cảnh Cẩm Lệ giờ đây đã nổi tiếng cả nước, nhưng trước đó chỉ được 1-2 hộ làm nhỏ lẻ, sản phẩm bán quanh trong quận. Ông Phiếu đã đầu tư làm mới nó, bằng cách “bắt” hoa súng, hoa sen nuôi trong chậu, trong chum, vại từ chỗ chỉ nở hoa theo mùa sang nở quanh năm, nở cả đêm và ngày; hoa không chỉ một hai màu cố hữu mà đã có nhiều màu, màu nào cũng thắm tươi… Sáng tạo trên cây hoa súng, hoa sen bắt nguồn từ một ao ước của ông: “Nếu như hoa súng, hoa sen nở được quanh năm, nở cả ban đêm thì riêng phục vụ các quán cà phê đã hút hàng, hội viên đã kiếm bộn tiền”. Từ ao ước lãng mạn đó, ông tự đặt câu hỏi: Tại sao lại không? Và ông bắt tay vào tìm hiểu, rồi cùng một người làm vườn nổi tiếng ở quận Cẩm Lệ là ông Văn Chờ tạo ra loại hoa súng, hoa sen nở theo ý muốn. Đến nay, hoa súng, hoa sen cảnh của Cẩm Lệ có bạn hàng trong cả nước, với hàng chục hộ cung cấp, mang lại thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng/hộ.

“Đặt” Đà Nẵng trên bàn tay du khách

Ông Phiếu bắt đầu lấn sân qua lĩnh vực kinh doanh hàng lưu niệm từ năm 2013. “Đà Nẵng có nhiều danh lam thắng cảnh, nhiều công trình kiến trúc độc đáo... thu hút du khách, nhưng mặt hàng lưu niệm của Đà Nẵng lại quá đơn điệu. Tôi nghĩ nếu bổ khuyết được hạn chế này, Đà Nẵng sẽ thu hút du khách hơn, đồng thời mở ra một nghề mới giúp hội viên, nhất là hội viên không còn đất sản xuất, có thêm thu nhập” – ông Phiếu tâm sự.

Từ suy nghĩ đó, ông bắt tay vào sản xuất những mặt hàng lưu niệm là những mô hình thu nhỏ từ các danh lam thắng cảnh, các công trình, kiến trúc ấn tượng của Đà Nẵng. Ông tự thiết kế, tự tìm vật liệu và mày mò làm mô hình cáp treo Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, Vòng quay mặt trời (công trình của Tập đoàn Sun Group), cầu Rồng, Trung tâm Hành chính Đà Nẵng... Ý tưởng độc đáo cùng với sự khéo léo của đôi tay đã giúp những sản phẩm ông làm ra bắt mắt du khách, trong đó bán chạy nhất hiện nay là Trung tâm Hành chính (tỷ lệ 1:500) và Cầu Rồng (tỷ lệ 1:1.250). Sự phản hồi đầy thiện cảm của du khách đã khiến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng chú ý đến ông. Thành phố đã hỗ trợ ông xây dựng website, xây dựng thương hiệu, giúp ông học miễn phí các lớp quản lý doanh nghiệp, tạo điều kiện cho ông gặp các đoàn khách nước ngoài để quảng bá mặt hàng và tham gia những hội chợ trong và ngoài nước.

Mở hướng làm ăn cho nhiều hội viên

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Phú Ban - Chủ tịch Hội ND TP. Đà Nẵng
  Những mặt hàng lưu niệm của anh Phiếu vừa có tính độc đáo, vừa tôn vinh được vẻ đẹp của Đà Nẵng, và quan trọng nhất là được khách hàng chấp nhận. Những bước đi đầu tiên ấn tượng của anh Phiếu hứa hẹn mở ra con đường làm ăn hiệu quả cho nhiều hội viên nông dân.   
Con người nhiều ý tưởng này đã nhanh chóng “cập nhật” sự kiện tàu Trung Quốc tông chìm tàu cá của bà Huỳnh Thị Như Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng, vào tháng 5.2014, tại Hoàng Sa) bằng cách làm ra mô hình tàu bà Hoa, với kết cấu, màu sơn, biển số (ĐNa-90152) giống hệt nguyên mẫu, thể hiện sự bất khuất của ngư dân Đà Nẵng trong việc tham gia đánh bắt bảo vệ chủ quyền vùng biển Hoàng Sa. Mô hình chiếc tàu này đã bán rất chạy, mang lại nguồn thu không nhỏ cho ông. Sự sáng tạo và nhạy bén của ông tiếp tục được thể hiện vào dịp Tết Ất Mùi vừa qua, ông mua dưa hấu của nông dân về viết, khắc những câu chúc tết lên đó để phục vụ thị trường dịp tết. Nhiều khách hàng rất thích sản phẩm này của ông.

 

Trại sản xuất các mặt hàng mỹ nghệ của ông Phiếu tập trung khá đông sinh viên, học sinh là con em hội viên nông dân trong quận đến làm công hoặc học nghề. Ông Phiếu hy vọng trại sản xuất này sẽ góp phần hình thành lứa hội viên ND mới sáng tạo, có tư duy năng động, mang lại nét tươi mới, hấp dẫn cho tổ chức hội khi Đà Nẵng không còn đất nông nghiệp trong nay mai.