Ở vùng đồng bằng sông nước Cửu Long hễ cứ vào mùa nắng thì lại xuất hiện rất nhiều cây rau tự mọc ở những gò hoang hay xen kẽ trong đám cỏ dại khắp mọi nơi, từ mé mương, bờ ruộng đến sát vách nhà.
Cải trời là loài cây thân thảo thuộc họ cúc, mọc thành bụi. Nhánh và lá có nhiều long tơ, dính, mùi nồng nhẹ. Lá cải trời hình giọt nước, mọc so le, mép răng cưa, hoa có màu vàng tươi ở đầu nhánh vươn ra từ thân cây.
Không biết có phải do ngẫu nhiên hay ý thiên muốn dành tặng cho con người mà khi cải trời ngát xanh cũng là lúc ao đìa, sông rạch nơi đây xuất hiện nhiều cá thác lác. Nước ròng giựt mé, năm ba người rủ nhau xuống sông chỉ dùng tay mò cá. Thác lác thường ẩn mình trong các kẹt gốc lá dừa nước. Cá bắt được đem về chỉ cần đập chết, rửa sạch chứ không đánh vảy. Để cá chết độ một vài giờ mới dùng dao bén róc da, tách xương, nạo lấy thịt cá, như vậy chả cá mới dai. Dùng muỗng quết thịt cá cho thật nhuyễn, thêm hành lá xắt nhuyễn, tiêu xay, bột ngọt, ít muối bọt, … Theo kinh nghiệm dân gian khi thịt cá quện vào muỗng thì có thể vò thành những viên chả.
Người dân miệt vườn Tây Nam Bộ vẫn thường nấu canh cải trời để ăn với cơm nóng. Chan chén canh ngọt lịm húp vào cơ thể sẽ sảng khoái, giải cảm rất hiệu quả mà không cần tới bất cứ loại thuốc nào. Mùi nồng đặc trưng của loài cây dại này góp phần làm cho miếng chả cá ngon hơn, thơm hơn.
Cứ mỗi chiều, nghe vẳng vẳng câu hò đưa em "Ăn canh cải trời, nhưng phải chờ lịnh (lệnh) mẹ cha/ Em là phận gái, anh chớ có đẩy đà làm chi" là lòng người xa xứ nhớ da diết món ăn đậm đà nơi hương đồng cỏ nội.