Dồi trường và củ hành đã làm sạch (ảnh: Minh Khuyên)
Món dồi trường luộc tuy dễ chế biến nhưng lại tỉ mỉ trong nhiều khâu. Dồi trường mua về còn tươi nguyên, ngâm sơ với chút muối, rượu trắng xong tiếp tục xả nước lạnh để ráo. Từ đây, người ta có thể đem dồi trường chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Nhưng thú vị đối với người dân quê Vĩnh Châu – Sóc Trăng có lẽ là món dồi trường xào củ hành tím.
Ở vùng đất ven biển Vĩnh Châu, chưa ai biết giống hành tím được trồng từ khi nào, chỉ biết nơi đây đã nổi tiếng với nghề trồng hành và củ cải trắng để làm xái pấu. Mọi người thường gọi nó là hành tàu, bởi nó được người Hoa trồng từ rất sớm. Gặp được đất phù hợp, hành tàu đã phát triển mạnh cho đến ngày nay.
Những củ hành tím ngát, hương vị cay nồng mà theo nhiều người lại ngọt hơn những củ hành lớn màu trắng ngà (dân gian gọi là củ hành tây để phân biệt).
Đĩa củ hành tím xào dồi trường (ảnh: Minh Khuyên)
Dồi trường thực chất là bộ phận sinh dục trong của con heo (lợn) cái. Sau khi được làm sạch, người ta dùng dao bén cắt thành những miếng xéo vừa ăn. Củ hành tím lột sạch vỏ bao ngoài, rửa sạch, để ráo rồi dùng dao đập dập qua.
Bắc chảo mỡ nóng phi thêm tỏi cho thơm, trút dồi trường vào xào cho xăn. Nêm nếm nước mắm, bột ngọ cho vừa ăn. Trút củ hành vào xào đều. Có người xào cho củ hành thật chín, cũng có người muốn cho món ăn cay nồng thì chỉ đảo mấy lượt rồi nhắc xuống. Múc ra dĩa, rắc thêm ít tiêu xay nhuyễn cho mùi thơm lựng. Món ăn này chấm với nước mắm me, nước mắm chanh, kèm trái ớt hiểm.
Bên nồi cơm gạo mới, dồi trường xào củ hành vừa ngon miệng, vừa no lòng mà theo quý ông có kinh nghiệm nó còn ít nhiều tăng khả năng mạnh mẽ trong chuyện riêng tư.