Theo các bậc lão nông thì các lò bánh tráng đã ra đời gần 2 thế kỷ nay, lúc đầu chỉ có vài hộ, sau đó tăng dần lên và phát triển mạnh kể từ năm 2000. Tại Thuận Hưng hầu hết các hộ đều tham gia vào dịch vụ làng nghề, từ việc xay bột, tráng bánh, phơi bánh cho đến bỏ mối, giao hàng và vận chuyển. Các lò ở đây hoạt động quanh năm, kể cả mùa mưa mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM, sang cả Campuchia.
Bánh tráng Thuận Hưng có nhiều loại, như bánh tráng mặn, bánh tráng xốp, bánh tráng cuốn nem, bánh tráng dừa... Bà Ngô Thị Hồng Giáo (Hai Giáo), người đã gắn bó hơn 30 năm với nghề, cho biết, sở dĩ bánh tráng Thuận Hưng nổi tiếng là nhờ kinh nghiệm trên 100 năm trước của ông bà truyền lại, con cháu nối nghiệp phát huy và đẩy mạnh thương hiệu tại địa phương.
Lò bánh của gia đình bà Ngô Thị Hồng Giáo, người có hơn 30 năm gắn bó với nghề này. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Muốn cho bánh thơm ngon, không dai nhưng cũng không bỡ, để được lâu, người làm bánh phải chọn cho được lúa cấy tại vùng Thốt Nốt. Gạo để xây bột làm bánh không được chọn lúa mới, cũng không nên chọn lúa quá lâu ngày. Quá trình phơi bánh và gỡ bánh, theo bà Giáo, cũng là một nghệ thuật. Muốn cho chiếc bánh còn nguyên vẹn, thẳng, không cong vênh, người phơi phải biết canh đúng giờ nắng để gỡ cho đúng lúc, sau đó xếp lại thành chục rồi dằn cho phẳng mặt bánh trước khi giao hàng.
Mỗi lò tráng bánh trong dịp Tết thường cần 3-4 lao động cho nhiều công đoạn khác nhau, từ khâu xay bột đến xếp bánh, cột bánh vô bao bì... Riêng thời điểm lễ, Tết thì nhân công tăng lên gấp đôi, cũng vì vậy mà những lúc cao điểm, các lò đều "khát" lao động, nhất là thợ tráng bánh lành nghề.
Còn theo bà Trương Thị Sậm, một chủ lò ở ấp Tân Thạnh, thời điểm giáp Tết là các lò bánh ở Thuận Hưng đỏ lửa suốt ngày đêm vẫn không đủ bánh giao cho khách. Thương lái khắp nơi từ Vĩnh Long, Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang... sang tận lò để đặt cọc mua bánh trước, thậm chí họ bỏ tiền cọc cả tháng trước để "chắc ăn".
Bánh tráng Thuận Hưng, Thốt Nốt ,Cần Thơ có nhiều loại, đáp ứng thị hiếu của khách hàng các nơi. Ảnh: Ngọc Trinh. |
Bà Sậm cho biết, mặc dù gia đình có 4 người, trong đó hai người ngồi lò tráng bánh, hai người còn lại lo chạy phơi và xếp bánh nhưng số lượng mỗi ngày sản xuất ra không kịp để giao cho khách hàng. "Trung bình lò tôi tráng gần 30.000 bánh tráng xốp mỗi ngày nhưng có khi nhu cầu khách đến 40.000 bánh. Sổ tay của tôi ghi dày đặc doanh sách khách hàng, phải giao theo trình tự khách nào đặt cọc trước", bà Sậm nói.
Tuy đắt hàng, nhưng tiền công lao động và thu nhập của chủ lò tại đây lại chỉ ở mức trung bình. Theo các chủ lò, là do chi phí cho việc làm bánh khá cao, nhất là chất đốt ngày càng hiếm, nhưng giá bánh thời gian gần đây vẫn giữ mức cũ. Hiện thu nhập ổn định của mỗi người làm công cho các chủ lò từ 100.000 - 120.000 đồng/ngày, còn chủ lò bánh thì mùa cao điểm, mỗi hộ có thu nhập từ 500.000 – 1 triệu đồng/ngày cho khoảng 3-4 lao động gia đình cùng tham gia. Với số tiền đó, ít ai giàu lên nhờ tráng bánh, nhưng người dân ở đây vẫn gắn bó với nghề vì giữ nghề truyền thống, nghề đã theo cha ông 2 thế kỷ qua.