Dân Việt

Thoát nghèo nhờ vốn chính sách

HUỲNH XÂY 04/03/2015 10:45 GMT+7
Mấy năm gần đây, nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Bến Tre đến đúng đối tượng thụ hưởng nên nhiều hộ đã thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, nợ quá hạn của ngân hàng cũng giảm mạnh.

Nợ quá hạn giảm xuống dưới 1%

“Năm 2013, tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH. Nhờ số vốn trên và vốn gia đình tích lũy được, tôi xây 2 chuồng nuôi 30 con lợn và 1 chuồng nuôi bò thịt” - chị Nguyễn Thị Nho, ấp An Vĩnh 1 (xã Đa Phước Hội, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre) cho biết.

img

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH mà chị Nho có điều kiện chăn nuôi hiệu quả.     
Nhờ chăn nuôi mà chị Nho có cuộc sống khá hơn, nuôi được 2 con đi học. “Đến nay tôi đã trả ngân hàng 10 triệu đồng, tới đây tôi sẽ trả hết vốn và lãi đúng hạn” - chị Nho cho biết.

Nhờ sự phối hợp tốt giữa Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH tại huyện Mỏ Cày Nam với Hội Phụ nữ huyện, nhiều nữ nông dân được vay vốn đầu tư cho chăn nuôi và mua bán. Những năm trước đây, tỷ lệ hộ hội viên thoát nghèo là 15-25%, năm 2014, tỷ lệ thoát nghèo lên đến 47%.

Tính đến cuối năm 2014, tổng dư nợ vốn Ngân hàng CSXH quá hạn của huyện này là 753 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 0,45%), giảm trên 1,9 tỷ đồng so với cuối 2012, thực hiện đạt vượt 325 triệu đồng so với mục tiêu đề án. Còn theo báo cáo của Ngân hàng CSXH tỉnh Bến Tre thì ngoài Phòng Giao dịch huyện Mỏ Cày Nam còn có 5/8 phòng giao dịch khác có tỷ lệ nợ quá hạn giảm xuống dưới 1%.

Trên phạm vi toàn tỉnh, ông Lê Văn Khuyên nhận định: “Từ khi triển khai thực hiện đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng (2012) đến nay, đã có sự chuyển biến tích cực. Nhờ nguồn vốn của đề án mà nhiều hộ thoát nghèo bền vững. Chỉ tiêu mà tỉnh Bến Tre thực hiện tốt nhất là kéo nợ quá hạn xuống thấp”.

Nợ chưa đổi sổ còn cao

Quan điểm

Ông Lê Văn Khuyên
  Tới đây, việc bình xét cho vay vốn Ngân hàng CSXH sẽ tiến hành chặt chẽ hơn, gắn việc cho vay với các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, các dự án giảm nghèo của tỉnh…”.   
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh Bến Tre, cũng như nhiều địa phương ở vùng ĐBSCL, năm 2012 trở về trước, chất lượng tín dụng của tỉnh này có xu hướng giảm sút, tỷ lệ nợ quá hạn có thời điểm lên đến 3,99%. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2012, nợ quá hạn tăng khoảng 25,1 tỷ đồng so với cuối năm 2011, nâng tổng mức nợ quá hạn lúc đó lên khoảng 38,8 tỷ đồng.

 

Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Ngân hàng CSXH Việt Nam về xây dựng đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng tại địa phương, tỉnh Bến Tre đã sớm hoàn thành đề án trên và triển khai thực hiện từ cuối năm 2012 đến nay. Tuy nhiên, theo chúng tôi tìm hiểu, đề án được triển khai tốt nhất ở chỉ tiêu giảm nợ quá hạn. Còn các chỉ tiêu khác vẫn chưa có được kết quả tốt, nhất là về lãi tồn đọng và nợ chưa đổi sổ vay vẫn còn ở mức cao. Các chỉ tiêu này phần lớn nằm ở các đối tượng cho vay là học sinh sinh viên, hộ nghèo, hộ thường xuyên vắng nhà hoặc đi khỏi địa phương sau khi vay vốn.

“Năm 2015, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể và UBND các cấp phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu đã đề ra trước đó của đề án, tăng cường giám sát quá trình sử dụng vốn của hộ vay, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về nghĩa vụ và trách nhiệm trả nợ của hộ vay” – ông Khuyên cho biết.