Dân Việt

Ngày thơ, thăm Tổ đình Long Tường và cây gõ đỏ

Nhớ những Rằm tháng Giêng các năm qua, thèm các lễ hội “dân gian toàn tòng” (hơi bị hiếm), né các bầu không khí nghệ thuật lập trình... để nghe tiếng thiên nhiên lộng lẫy và nhịp đập trái tim bạn bè quý nhau hú nhau, gió sương bụi bặm nhưng rào rạt tung tẩy ngẫu hứng. Đi kiểu vậy, chúng tôi vào tận Tổ đình Long Tường chân mây góc trời để ngắm một… "phẩm hạnh" cây gõ đỏ.

Cây gõ đỏ có tuổi đời mấy trăm năm, bị bão lũ trốc rễ, đổ nghiêng nhưng không biết bằng phép mầu nào lại dừng ngay không chạm vào mái thiền môn từ bi hỉ xả. Một cây cổ thụ ba người ôm không xuể mà tán xoè vào đâu thì ở đó có khi chẳng còn miếng gạch vụn nào để lượm ném chim.

Nhiều tín hữu bảo sự linh ứng diệu kỳ đã giúp hồn cổ thụ "liên thông" với chánh pháp. Nhà thơ Bùi Chí Vinh ứng tác: “Cổ thụ biết dừng lại - Khi đổ xuống mái chùa - Sao sinh lão bệnh tử - Vẫn không dừng hơn thua?”. Tôi cũng tặng chùa: “Cây gõ đỏ giữa cuồng phong - Bỗng an lạc trước mái cong tổ đình” và được sư trụ trì Thích Giác Thanh ngâm luôn trong đêm thơ trước Tổ đình. Có thể nói, một đêm thơ "gói" nhiều tính chất của…thơ, cuồng nhiệt trong dịu dàng, say sưa trong tỉnh táo, đầy đủ sự thân mật, hòa ái.

img
Từ trái qua: Các nhà thơ Phan Hoàng, Vũ Trọng Quang, Trần Nhã Thụy, Nguyễn Thái Dương, nhạc sĩ Quỳnh Hợp, Nguyễn Thanh Mừng, Đào Tấn Trực chụp hình với sư chùa Long Tường dưới tán cây gõ đỏ.

Cây gõ đỏ có "cảm xúc" đang đứng trong sinh trụ dị diệt kia, hình như lá cũng mơn mởn hơn và nói những lời vi vút hơn, ngọt ngào hơn mà loài thảo mộc có thể có, giành cho một trần thế yêu thương. Chúng tôi có thời gian để ngắm trăng, nghe tạo vật hát, nghe bá tánh “nam mô A Di Đà Phật” rồi đọc thơ, trong đó có cụ bà gần chín mươi, và bao tín hữu say thơ một cách thành tâm ngơ ngác và vỡ òa khi có một câu một từ gây xúc động. Và đâu chỉ có vậy.

Thầy trụ trì ngoài việc hát rất hay, ngâm thơ rất đã trong đêm thơ, còn chỉ huy nhà chùa hái những cọng rau non nhất, gọt những trái mít thơm nhất, rang những hạt đậu giòn nhất, tinh hoa của vườn chùa đã được bày lên một mâm khuya tươi ngon và nóng sốt, tiếp diễn thơ nhạc ngẫu hứng ứng tác, vui gấp bội, ý chừng thâu đêm suốt sáng nếu “giang hồ” còn sức vui với thiền môn!

img
Đêm thơ tại chùa Long Tường ở Phú Yên.

Cái chuyện thơm thảo lộc Phật này, chúng tôi từng gặp bên bờ suối Chánh Oai, cuộc tiếp đón niềm nở của Đại đức Thích Nhuận Hiếu trụ trì chùa Ông Đá, tức Thiên Bửu Thạch Tự. Chùa được thành lập từ năm 1941 trên ngọn núi cao gần 300m do Hòa thượng húy Tâm Minh hiệu Trí Thành khai sơn. Trong kháng chiến chống giặc xâm lược, Chùa đã nhiều lần bị bom đạn chiến tranh tàn phá, mấy mươi năm vắng bóng tăng ni.

Từ đường ven biển đi vào, qua con đường hiểm trở dưới tán rừng già, đồi và thung lũng cũng mất gần tiếng đồng hồ. Do vị trí khuất nẻo nên có thời gian chùa như bị lãng quên. Sau 1975, chùa chỉ còn một hang đá thờ Phật và được thầy Thích Nhuận Hùng hương khói, đến 2008 thầy Nhuận Hiếu được mời về trông coi và hướng dẫn Phật tử tu học. Đại đức đã từng tổ chức lễ truyền đăng, nguyện cầu quốc thái dân an, bà con địa phương ấm no vui vẻ, đốt nến cầu nguyện cho các oan hồn uổng tử đã bỏ mình nơi suối hoang núi vắng.

Đến đây, trong Giờ Trái đất, chúng tôi ngồi uống rượu với rau dại từ rừng hoang và những củ khoai lang thơm ngậy do chính tay thầy trồng, dưới ánh ngọn đèn  chai treo trên cây trắc. Nhà thơ Vân Hiền Phù Cát ứng tác: “Chùa hang Thiên Bửu cảnh tiên- Rau rừng nam dược Phật trên độ trì- Lên đây quên hết sầu bi- Lòng như mây trắng sân si mặc người”; đợi thầy vào hang tụng kinh tối, trở ra, Hồ Thế Phất đọc tặng: “Thức cùng Thiên Bửu đêm trăng- Tiếng chuông quyện với thong dong suối ngàn- Lời kinh hòa vút không gian- Thương thầy Nhuận Hiếu vào hang tu trì”.

img
Tác giả chụp ảnh kỷ niệm với sư Nhuận Hiếu chùa Thiên Bửu.
Anh em văn nghệ đôi lúc hỏi những câu bất cẩn như: “Thưa thầy, sao ở đây đất rộng không nuôi gà?” hoặc có người xuống tắm suối lên hỏi mượn cái lược chải tóc, nhà sư chỉ cười độ lượng. Ông bảo đáng lẽ ở đây trồng lúa, nhưng vì suối đầu nguồn, các chất hóa học trong nông nghiệp hiện đại sẽ làm ảnh hưởng dòng nước phía cuối nguồn. Nên ông chuyển hướng thả sen. Đáp lời thầy, một mùi hương dịu ngọt theo gió lan tỏa từ những cánh sen trắng sen hồng ngút ngàn trong lũng núi.

Năm sau, nghe thầy sắp tổ chức lễ đúc đại hồng chung, Rằm tháng Giêng tôi cùng nhà thơ Lê Văn Ngăn, nhà thơ Ngô Liêm Khoan và một số anh em lên, phong cảnh đã bớt u tịch, đường sá quang quẽ hơn. Uống rượu với nhà sư bên bờ suối, thấy "cây rừng như nghiêng ngả, dìu nhau về kỷ nguyên Lý Trần thăm thẳm" và bên những điểm tựa tâm linh của dân tộc, như Vạn Hạnh thiền sư: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô” (Thân như bóng chớp có rồi không); như Không Lộ thiền sư: “Hữu thời trực thượng cô phong đỉnh- Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư ” (Có khi xông thẳng lên đầu núi- Một tiếng kêu vang lạnh cả trời!).

img
Tháng Giêng lên ngắm cảnh chùa Thiên Bửu ở Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Chợt nhớ, hai mươi năm trước, hồi mình còn trẻ, đã nói về quan niệm thơ của mình, in trong tập Những gương mặt thơ mới, Nhà xuất bản Thanh niên, năm 1994: “Có điều là, tôi thấy bản thân tôi và rất nhiều người trong chúng ta đang làm một cuộc chen lấn ra trước thi đàn để trưng gương mặt phù hoa của mình mặc nhiên cả sự ồn ào vốn tối kỵ với loại hình nghệ thuật siêu đẳng này. Nếu vậy thì chúng ta đã đi ngược lại cuộc hành trình tìm chân lý của đức Phật, nghĩa là từ bỏ tán bồ đề tĩnh lặng cao minh để lộn lại chốn kinh thành và ngôi báu”. Cái giọng xưa, tự thấy người làm thơ trong mình cũng là kẻ đi học đạo, giờ bạc tóc rồi vẫn còn loay hoay vì chưa dứt bụi sân si. Thương các sư nhẹ nhàng xuất gia, rau dưa phát nguyện tìm chân lý nơi tĩnh lặng, chốn thâm sơn cùng cốc!

Nhà sư giải nghĩa rằng tu chùa như đi vòng theo hòn núi mà lần lên đỉnh, còn tu thiền thì như từ chân núi mà lướt thẳng lên, vượt qua vực sâu ghềnh cao đá hung thác hiểm. Việc đi tới nơi tới chốn đòi hỏi sự dũng hiệp và kiên nghị khác thường, không có chỗ cho sự yếu ớt, do dự, trù trừ, ảnh hưởng sự tồn vong của tính mạng, không chừng vì thất nguyện mà sa vào đọa lạc.

Những người sở ý thanh cao, tri thức quảng bác, trông rộng thấy xa thì tâm trí để cả vào những sự suy nghiệm, hành trì. Họ tham thiền, đôi lúc không để ý là ngày hay đêm, vì mãi tập trung chú ý vào những sự điều dưỡng tinh thần hoặc suy xét những lẽ mầu nhiệm, toàn tâm với cuộc huyền vi. Nhưng kẻ tầm thường nếu bị buộc ở vào cảnh ngộ này đương nhiên buồn rầu, chán ngán hoặc thậm chí trở nên điên dại. Quyết được trí huệ nơi núi vắng rừng sâu dù ở nơi tịnh thất lạnh lẽo nên chẳng thấy mình cô độc, buồn chán. Ngược lại còn cảm thấy mình sung sướng, và đạt được sự thỏa chí đến cực điểm khi bằng vào sự nhập định có thể nhận ra chư Phật thị hiện, chư Bồ tát ban phép lành và thốt lời diệu âm.

Chưa chi, chúng tôi và nhà sư đã nhận ra phong cảnh tuyệt đẹp trong cuộc sẻ chia này, trên con đường đầy hương thơm và ánh sáng, tâm tưởng hiện ra các am cốc lừng danh hồi hành hương qua Tây Tạng, Mông Cổ, chốn đồng cát mênh mông, hoặc nơi non cao tuyết phủ, các bậc cao viễn tự tại, thần thông rẽ mây vén gió.

Hẹn nhau đỉnh núi mùa trăng, cùng nhau đàm luận thơ văn Lý Trần, tôi tặng sư mấy vần trước lúc chia tay: “Tháng Giêng vào núi tìm sen - Gió say gió mãi tìm đèn mà lay - Suối say suối vuốt ve cây - Sư say sư hứng môi đầy đồng dao - Rằm xuân ghềnh thác trêu nhau - Nước mây rượt đuổi dìu vào tân hôn - Đôi chim cu gáy hút hồn - Đính từng nhan sắc càn khôn lên cườm - Một mê cuồng một tinh tươm - Một gieo phóng túng một ươm khoan hòa - Cội mai tĩnh lặng kiết già - Thản nhiên trút áo cà sa bên trời”.

Nhà sư cả cười trong gió mai, nâng ly rượu tiễn hành, chia tay bên bờ suối.