Dân Việt

Nguy hiểm rình rập trong hố băng bí ẩn ở Siberia

09/03/2015 05:00 GMT+7
Một hố khổng lồ sụt xuống giữa các lớp băng vĩnh cửu ở Siberria năm ngoái, mở màn cho hàng loạt biến cố tương tự, khiến các nhà khoa học đau đầu và e ngại trong việc nghiên cứu.

Ở nơi được coi là tận cùng trái đất, với mức nhiệt độ thường xuyên ở 0 độ C hoặc thấp hơn, chiếc hố với đường kính 30 mét xuất hiện là một sự kiện khoa học gây chú ý.

Nó không chỉ sụt xuống một mình. Thêm hai hố nữa cũng sụt xuống, làm dấy lên rất nhiều giả thiết. Một trong các giả thiết đó là sự biến đổi khí hậu đã làm ấm lên những lớp băng vĩnh cửu, khiến các khối khí mê tan tích tụ bên trong băng nổ bùng. "Áp suất mà khí mê tan tạo ra tăng lên đến mức nó đủ lớn đẩy  lớp băng phía trên, tạo thành lực thật mạnh, tạo ra hố băng", một nhà khoa học Đức cho biết.

img

Một hố băng ở Siberia. Ảnh: Reuters 

Các nhà khoa học đang lo ngại rằng có nhiều hố băng đến mức họ không biết hết được - và như vậy hệ quả sẽ là khổng lồ. Giới nghiên cứu Nga đã phát hiện được 7 hố băng, 5 trong số đó nằm ở bán đảo Yamal. Hai trong số các hố này đã mở rộng và trở thành những cái hồ. Một hố rất lớn còn được bao quanh bởi khoảng 20 hố nhỏ, báo địa phương Siberian Times cho biết. Ông Vasily Bogoyavlensky, thuộc Viện nghiên cứu Dầu khí Nga, nói rằng có tới hàng chục hố băng đang hình thành ở Siberia cần được nghiên cứu khẩn cấp.

Ông Bogoyavlensky lo ngại rằng nếu như nhiệt độ tiếp tục tăng -  và thật sự nó đã tăng khoảng 5 độ C so với mức trung bình từ năm 2012-2013, sẽ có nhiều hơn nữa các hố băng xuất hiện gần các giếng dầu.

“Điều quan trọng là không để cho người dân trở nên sợ hãi, tuy nhiên chúng ta phải cho họ hiểu được đây là một vấn đề nghiêm trọng và chúng tôi phải nghiên cứu", ông nói. "Chúng ta cần phải nghiên cứu vấn đề này một cách thật kỹ càng, để có thể ngăn chặn những thảm họa có thể xảy ra”.

Những hiện tượng này cần phải nghiên cứu tỉ mỉ, nhưng để thực hiện điều đó rất nguy hiểm đến các nhà khoa học, Bogoyavlensky nói. "Chúng tôi biết rằng sự rò rỉ khí gas đã, đang xảy ra trong một khoảng thời gian dài, nhưng thực sự không  biết chính xác thời điểm nào sẽ lại xảy ra một vụ nữa. Việc thăm dò sẽ trở nên rất mạo hiểm, bởi vì không ai có thể đảm bảo sẽ không có vụ nổ nào".

Vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn bởi khí mê tan dễ cháy nổ. Một trong các vụ nổ khí đã gây cháy. Cư dân khu vực này cho biết gần đây họ thấy một đám lửa lớn ở phía xa. "Có thể là mê tan đã phát hỏa", Bogoyavlensky nói. "Kinh nghiệm nhiều năm cho thấy các vụ cháy nổ mê tan có thể gây thảm họa cho các giếng và đường ống dẫn dầu".

Một vài hố băng, sau khi biến thành hồ, vẫn tiếp tục thoát khí mê tan. "Có thể thấy làn khí thoát ra từ đáy lên mặt hồ", nhà khoa học nói. "Ai biết được điều gì đang xảy ra trong những cái hố này. Chúng ta cần thám hiểm".