Dân Việt

Khám phá hệ thống phòng không tối tân Vityaz

24/06/2013 18:59 GMT+7
Dân Việt - Một tính năng độc đáo của Vityaz so với S-300, là khả năng tích hợp nhiều đạn tên lửa trên cùng một bệ phóng. Điều này cho phép hệ thống đối phó hiệu quả với nhiều loại mục tiêu cùng lúc.
img
Hệ thống phòng không tầm trung Vityaz sẽ thay thế dần S-300PS trong biên chế lực lượng phòng không Nga từ năm 2015 cũng như các khách hàng nước ngoài.

Vityaz là hệ thống phòng không cơ động đa năng do tập đoàn Almaz/Antey chế tạo. Công tác phát triển hệ thống này được thực hiện vào những năm 1990. Mẫu thử nghiệm được hoàn thành vào năm 1998.

Ngày 19.6.2013 vừa qua, hệ thống phòng không Vityaz đã được giới thiệu cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân chuyến thăm của ông đến nhà máy Obukhov ở St. Petersburg. Hệ thống phòng không này sẽ được bàn giao cho quân đội Nga để thử nghiệm vào cuối năm 2013.

Dự kiến quân đội Nga sẽ mua khoảng 30 hệ thống Vityaz để thay thế dần cho S-300PS đến năm 2020. Ngoài ra, Vityaz cũng được dự định xuất khẩu cho các khách hàng nước ngoài để bổ sung và thay thế cho các hệ thống S-300.

img
Mô hình tổ hợp Vityaz.

“Yếu tố” Hàn Quốc

Mặc dù Nga là quốc gia có công nghệ tên lửa phòng không hàng đầu thế giới nhưng sự phát triển của Vityaz lại xuất phát từ ý tưởng của Hàn Quốc.

Cụ thể trong quá trình phát triển radar cho hệ thống phòng không KM-SAM Chun-Koong của Hàn Quốc cũng như trợ giúp cho sự phát triển của hệ thống này, tập đoàn Almaz đã phát triển Vityaz trên cơ sở ý tưởng của đối tác này.

Mô hình bố trí xe phóng của Vityaz rất giống với KM-SAM và nó cũng mang dáng dấp của hệ thống SAMPT của châu Âu.

Vityaz là hệ thống phòng không cơ động đa năng được thiết kế để tiêu diệt tất cả các mục tiêu đường không từ máy bay cánh cố định, trực thăng, UAV, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí không đối đất có hoặc không có điều khiển.

Hệ thống được tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến nhất của Nga hiện nay và cả tương lai gần trong việc tiêu diệt bất kỳ mục tiêu đường không nào.

img
Khi vào vị trí chiến đấu, giá phóng sẽ được nâng lên vị trí thẳng đứng bằng hệ thống thủy lực.

Vityaz dự định sẽ thay thế cho hệ thống phòng không S-300PS để kết hợp cùng với hệ thống phòng không tầm xa S-400 Triumf, hệ thống pháo – tên lửa phòng không Pantsir-S1, tạo nên chiếc ô bảo vệ nước Nga trước bất kỳ cuộc tấn công đường không nào.

Khẩu đội Vityaz tiêu chuẩn bao gồm: 1 xe radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực, một xe kiểm soát bắn, 3 xe phóng cùng một xe tiếp đạn và xe sửa chữa. Tổng cơ số đạn tên lửa tiêu chuẩn cho mỗi khẩu đội lên đến 48 tên lửa.

Điểm độc đáo của Vityaz so với S-300 là xe phóng tên lửa được thiết kế dạng modun cho phép hệ thống sử dụng nhiều loại đạn tên lửa khác nhau trên cùng một xe phóng.

Mỗi xe phóng được lắp 2 lớp với 6 ống phóng mỗi lớp chia thành 2 cụm với 3 tên lửa mỗi cụm sẳn sàng phóng trong ống phóng kiêm container bảo quản. Tất cả các phương tiện đều được đặt trên khung gầm xe tải KAMAZ 8x8 bánh mang lại khả năng cơ động rất cao.

Ở trạng thái hành quân, giá phóng được xếp nằm ngang như S-300 khi vào vị trí chiến đấu, giá phóng sẽ được nâng lên vị trí thẳng đứng bằng hệ thống thủy lực. Giá phóng có thể mang theo số lượng tên lửa như sau: 12 tên lửa 9M96E, 32 tên lửa 9M100 hoặc 5 tên lửa 9M96E kết hợp 10 tên lửa 9M100.

Đạn tên lửa 9M96E sử dụng hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động có tầm bắn tối đa 120km, tầm cao 35km, tên lửa có tốc độ lên đến 5.000 m/s. Loại đạn tên lửa này đang được sử dụng cho hệ thống S-400 Triumf.

Đạn tên lửa 9M96E được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp giữa dẫn hướng quán tính, ở pha giữa tên lửa có khả năng cập nhật vị trí mục tiêu thông qua đài radar chiếu xạ trên mặt đất, pha cuối tên lửa khóa mục tiêu bằng radar chủ động.

Trong khi đó, đạn tên lửa 9M100 sử dụng hệ thống dẫn hướng bằng hồng ngoại với tầm bắn 15km. Tên lửa được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu có diện tích phản hồi radar nhỏ như UAV, trực thăng, tên lửa hành trình, bom thông minh, tên lửa siêu âm.

Đạn tên lửa hoạt động theo nguyên lý “bắn-quên” nên hệ thống có thể tấn công đồng thời nhiều mục tiêu cùng lúc.

img
Tổng cơ số đạn tên lửa tiêu chuẩn cho mỗi khẩu đội lên đến 48 tên lửa.

Hệ thống điều khiển hỏa lực tối tân

Về hệ thống điều khiển hỏa lực, Vitayz sử dụng radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực mạng pha hoạt động theo từng giai đoạn sử dụng công nghệ MFMTR. Tên gọi của loại radar này chưa được tiết lộ và nó vẫn đang trong giai đoạn phát triển.

Theo một số nguồn tin, radar này hoạt động ở băng tần X có khả năng theo dõi 40 mục tiêu cùng lúc, tấn công 8 mục tiêu cùng lúc với 2 tên lửa/mục tiêu nên có xác suất tiêu diệt rất cao.

Radar có khả năng hoạt động trên 3 dải tần số khác nhau nên có độ kháng nhiễu rất cao, khả năng nhảy tần số sẽ cho phép hệ thống vượt qua sự truy đuổi của tên lửa chống bức xạ. Bộ vi xử lý kỹ thuật số với tỷ lệ nén xung cao cho phép phát hiện các mục tiêu có diện tích phản hồi radar nhỏ với độ phân giải cao.

Điểm mạnh của radar mới là khả năng quét chùm tia điện tử toàn phần ở góc phương vị ±45 độ cho phép phát hiện và phân loại nhanh các mục tiêu khác nhau. Hệ thống có thể nhận dạng sự khác nhau giữa một tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.

Radar mới cung cấp giải pháp toàn diện cho phát hiện, bám bắt, xử lý và tấn công tất cả các mục tiêu đường không trong môi trường tác chiến điện tử và cường độ hoạt động cao. Sự phát triển của radar này có được thông qua quá trình phát triển radar cho hệ thống KM-SAM Chun Koong của Hàn Quốc. Dựa vào kinh nghiệm và những phát sinh trong quá trình phát triển radar cho KM-SAM để hoàn thiện radar mới cho Vityaz.

img
Theo một số nguồn tin, radar của tổ hợp Vityaz hoạt động ở băng tần X có khả năng theo dõi 40 mục tiêu cùng lúc, tấn công 8 mục tiêu cùng lúc với 2 tên lửa/mục tiêu nên có xác suất tiêu diệt rất cao.

Đánh giá

So với S-300PS mà Vityaz sẽ thay thế, tầm tác chiến của hệ thống có phần kém hơn. Tầm tác chiến tối đa của Vityaz chỉ 120km trong khi đó tầm tác chiến tối đa của S-300 là 150km, lên đến 200km với S-300PMU2. Tuy nhiên, với nhiệm vụ thiết kế là hệ thống phòng không tầm trung, thì tầm bắn không phải là hạn chế của Vityaz.

Mặc khác, Vityaz lại có nhiều lợi thế hơn so với S-300PS. Một tính năng độc đáo của Vityaz mà S-300 không có được, là khả năng tích hợp nhiều đạn tên lửa trên cùng một bệ phóng cho phép hệ thống đối phó hiệu quả với nhiều loại mục tiêu cùng lúc mà không cần phải phát triển thêm các hệ thống riêng biệt để sử dụng các loại đạn khác nhau.

Vityaz có thể thay thế cho tất cả các hệ thống phòng không tầm trung hiện nay của Nga như SA-11, đối với khách hàng nước ngoài có thể thay chế cho S-125, SA-6. Trên mỗi giá phóng có thể sử dụng cả đạn tên lửa tầm thấp, tầm trung đây là giải pháp tiết kiệm chi phí cho phép tập trung vào phát triển một hệ thống phòng không có thể đảm đương tất cả các nhiệm vụ đó chính là thế mạnh của Vityaz.