Ngư dân cho rằng mực di chuyển theo mùa, theo ngày và đêm. Thường thì ban ngày, do lớp nước bề mặt bị ánh sáng mặt trời hun nóng, làm nhiệt độ nước tăng lên, mực thường lặn xuống dưới đáy hoặc lớp nước tầng dưới. Ban đêm, khi nhiệt độ nước bề mặt giảm đi, mực lại di chuyển từ lớp nước tầng đáy lên bề mặt.
Mồi tôm mũ để câu mực (ảnh: tác giả)
Mực và tiêu xanh (ảnh: tác giả)
Khi màn đêm buông xuống, toàn đảo Phú Quốc trở nên tĩnh lặng. Nhưng ở phía xa ngoài khơi cuộc sống của các ngư phủ vẫn hối hả với các ngọn đèn lung linh như một thành phố náo nhiệt. Những ánh sáng rực của đèn đêm trên những chiếc thuyền nhỏ, nhẹ là nơi mực tìm đến. Mồi câu mực cũng được con người tạo ra từ miếng nhựa hình con tôm, phát sáng. Trên mình con tôm mũ ấy có những tua nhọn để người câu giựt lên mình mực dính theo. Cũng có khi người ta câu mực bằng vỏ những con ốc lớn có màu sáng.
Mực tươi câu được đem về có nhiều cách chế biến ngon miệng, bởi độ ngọt của nó. Dường như một sự hữu duyên hay bởi sự sáng tạo độc đáo mà trong dân gian mà người ta thường hay dùng những buồng tiêu tươi xanh được trồng nhiều ở hòn đảo này, để hấp với mực.
Mực chỉ cần rửa sạch, bỏ phần ruột và ống mực đen, để ra rổ cho ráo, rồi ướp sơ với chút nước mắm ngon. Tiêu xanh trên dây bẻ vài buồng tươi nguyên. Cho tiêu vào trong ống, nếu là mực ống, còn mực nang thì quấn thân mực quanh buồng tiêu. Xếp mực đã quấn tiêu vào vỉ. Bắc xoong lên bếp, đặt vỉ mực vào. Hấp cách thủy, một lúc nước sôi, hơi nước sẽ xông lên làm cho mực chín.
Món mực hấp tiêu xanh (ảnh: tác giả)
Mực chín gắp ra đĩa, chuẩn bị mớ rau thơm, khóm chua, chuối chát để ăn kèm. Nước chấm mực hấp tiêu có thể là muối tiêu chanh hoặc nước mắm ngon. Từng miếng mực ngon lành, kèm với những hạt tiêu cay là cho bữa ăn của dân biển thêm đậm đà mà no lòng cho những chuyến ra khơi sắp tới.
Đối với du khách, mực hấp tiêu xanh thường xuyên có mặt trong thời gian họ lưu chân lại miền đất quê hương.