Dân Việt

Ăn nên làm ra nhờ nghề “đứng sau”

Thế giới Tiếp thị 07/03/2015 11:14 GMT+7
Đầu tiên chỉ đủ vốn đóng một tàu hoàn chỉnh (trên 10 tỉ đồng), sau mười năm kể từ 2004, ông Liên Đức Lợi, người làm dịch vụ hậu cần đánh bắt xa bờ duy nhất ở Gành Hào, tỉnh Bạc Liêu, có thêm ba chiếc tàu, trọng tải 300 tấn/chiếc, chuyên cung cấp vật tư hàng hoá cho sản xuất và tiêu dùng hàng ngày cho ngư phủ và mua hải sản tươi nguyên từ 20 – 30 tàu liên kết cung cấp cho chợ đầu mối, các nhà máy chế biến trên đất liền.

Trong khi mọi việc có vẻ cải thiện hơn nhiều thì thời tiết tháng 11, tháng chạp hàng năm cứ làm sản lượng đánh bắt xa bờ thất so với các tháng khác trong năm. Tàu làm dịch vụ hậu cần phải chịu lỗ do sản lượng cá không đủ để chở vào đất liền, trong khi người đánh bắt xa bờ muốn bán giá cao để bù chi phí. “Cách hoá giải là các tháng khác, hễ tối trăng là tàu ra khơi, bất kể bão giông”, ngày đầu năm, Liên Đức Lợi, nói về những rủi ro từ nguồn hàng cho tới mối quan hệ với thân chủ.

img

Ông Lợi cung cấp dịch vụ hậu cần và kinh doanh hải sản trên biển, điều phối nguồn hàng cho các chợ đầu mối chứ không chỉ vận tải như tàu rỗi vào đất liền ăn công. Điều này khiến ông được Nhà nước hứa giúp 95% vốn (trên tổng số 15 tỉ đồng) đóng thêm một tàu sắt, trọng tải 400 tấn nâng cao năng lực chế biến ngay trên biển. “Nếu được, tui sẽ đóng tàu tại TP.HCM hoặc Hải Phòng ”, ông Lợi nói đây là lần đầu tiên ông nhận được sự trợ giúp gần như trọn gói từ Nhà nước sau 20 năm nuôi ý tưởng khởi nghiệp gắn với nghề đánh bắt xa bờ. Trước đây, mỗi năm Nhà nước chỉ hỗ trợ xăng dầu 80 triệu đồng/chuyến, tương đương 50% chi phí thực tế và mỗi tàu chỉ được bốn chuyến mỗi năm trong khi số chuyến ra – vào thực tế tới 12 – 13.

Tàu Đức Lợi làm hậu cần cho 20 – 30 tàu liên kết đánh bắt, cách đất liền 300 – 350 hải lý. Chi phí mỗi chuyến ra – vào trên 160 triệu đồng. “Nếu 20 chiếc phải chạy ra, chạy vô thì tốn phí lớn hơn rất nhiều nhưng chất lượng hải sản không thể tốt hơn tàu hậu cần. Do đó, khi giá xăng dầu thay đổi hoài, có lúc cao quá thì tui giảm lãi để bù vô chi phí, giống như mình đưa lưng ra đỡ tiếp cho ngư phủ”, ông Lợi chia sẻ.

Trước tết Nguyên đán, ông Lợi đến thăm các gia đình đối tác ở Bình Định, Khánh Hoà, Mũi Né, Cam Ranh, Tiền Giang và ra biển làm tiệc tất niên, chúc tết trên biển. “Muốn quan hệ lâu dài thì ra tới quê họ làm quen, muốn mua mặt cá đó (loại ngon, giá cao) thì phải ra biển bàn bạc”, ông Lợi nói về mối liên liên kết ngư phủ mật thiết từ lúc bước chân vào chợ Ông Lãnh, Xóm Củi (18 tuổi) tới bây giờ đã 42 tuổi.

“Thông thường, mình phải ứng vốn cả trăm triệu để anh em lấy dầu, nước đá… góp sức vào tổng chi phí của mỗi chuyến mấy trăm triệu đồng. Thân chủ là dân tứ xứ, vốn lưu động mỗi tháng cần mấy chục tỉ, bản thân tui cũng vay mượn nhưng không sợ giựt nợ vì họ đi tới đâu, mình đi tới đó”, ông Lợi nói.

Các tàu đánh bắt từ ngày thứ hai là đã có tàu hậu cần nhận hàng ngay trên biển. Cam kết của ông Lợi là mua hết những loại hải sản đánh bắt được từ tàu lưới. Tuỳ toạ độ nhận hàng ở ngoài khơi tới các trung tâm phân phối trên đất liền, dù bán cho công ty cả tháng sau mới lấy được tiền nhưng đội tàu, đội xe lạnh và đầu ra rất an toàn.

Mô hình này khuyến khích đánh bắt hải sản có giá trị (90% là cá ngon có thể chế biến xuất khẩu) chứ không khích lệ nạn lạm sát cá làm thức ăn gia súc.          

Ông Lợi vẫn băn khoăn về một mắt xích rất yếu trong chuỗi dịch vụ là sản lượng hàng tăng cao trong khi ông chỉ có kho lạnh 50 tấn. Ngoài ra, chỉ cần bốn chiếc tàu hậu cần Đức Lợi neo đậu thì không còn chỗ cho tàu vào cảng cá Gành Hào. Lãnh đạo huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu, nói: “Nhiều người muốn làm như Liên Đức Lợi, nhưng họ làm không được vì thiếu mối liên hệ mật thiết với ngư phủ tàu lưới, thiếu đầu ra ổn định ở các chợ đầu mối và công ty. Họ lại yếu vốn nên không làm được phương án khả thi”.

Ông Lợi tiếc rẻ nói rằng thương mại hoá nghề cá sẽ tốt hơn nếu có thêm nhiều người giao kèo cung cấp hàng cho tàu hậu cần Đức Lợi. Hiện nay, tại Gành Hào có 642 tàu, nhưng chỉ có 1/3 đủ khả năng đánh bắt xa bờ. Trong khi nhiều tàu lưới đánh bắt nguồn cá có giá trị đều dễ nhận đặt hàng, thì các tàu giã cào không tham gia mạng lưới này được vì sản phẩm đánh bắt được có giá trị thương mại thấp và tính lạm sát quá cao.